Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chính thức vượt mốc 1.300 điểm qua phiên 25/5, đạt mức cao nhất trong lịch sử. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo động lực quan trọng cho dấu ấn này.
Nhưng động lực đó không “trải đều” ở cả nhóm. Quãng đi lên từ 1.200 đến vượt mốc 1.300 điểm của chỉ số, thị trường chứng kiến đà tăng ấn tượng của loạt cổ phiếu ngân hàng như VPB, TCB, MBB, CTG, ACB, STB, HDB…
Trong khi đó, VCB đang tiếp tục cho thấy “già hóa” về thị giá; BID tạo một khoảng lặng kéo dài để rồi mới bừng tỉnh.
Suốt quá trình vận động trên sàn chứng khoán nhiều năm qua, bộ ba cổ phiếu của nhóm ngân hàng có sở hữu Nhà nước chi phối gồm VCB của Vietcombank , BID của BIDV và CTG của VietinBank từng duy trì một “trật tự” lâu dài về thị giá. Tương quan đơn giản: VCB luôn dẫn đầu và gần như luôn cao hơn cả thị giá của hai cổ phiếu BID và CTG cộng lại; thị giá BID luôn cao hơn hẳn so với CTG.
Tuy nhiên, những tương quan trên bắt đầu thay đổi nhanh gần đây.
Trước hết, sau chuỗi tăng giá mạnh vừa qua, CTG lần đầu tiên sau nhiều năm đã chính thức “lật đổ” và vượt qua mức thị giá của BID. Đây cũng chính là thay đổi để thiết lập lại thứ tự quy mô vốn hóa các ngân hàng Việt Nam, sau khi TCB của Techcombank tạo xáo trộn và chiếm ví trí thứ hai hệ thống vào đầu tháng 5/2021.
BID không tạo được thay đổi cho chính mình trong những thay đổi đó. Cổ phiếu này từng tạo nhiều đợt tăng ấn tượng những năm 2018 và 2019, nhưng đã trở nên lặng lẽ và gần như “bên lề” quãng tăng trưởng từ 1.200 lên 1.300 điểm của chỉ số VN-Index.
Lịch sử giá cho thấy, sau khi chớm vượt mốc 50.000 đồng/cp phiên 6/01/2021, giá cổ phiếu BID liên tục giảm sâu để rồi có quãng xoay xở kéo dài, đặc biệt vùng giao động hẹp quanh 42.000 đồng/cp cho đến giữa tháng 5 này.
Theo đó, không chỉ lần đầu tiên sau nhiều năm thị giá BID bị CTG chính thức vượt qua, bị TCB và VPB bỏ xa, quy mô vốn hóa cũng dần rời vị trí top đầu.
Thế nhưng, tuần vừa qua, khi mà chỉ số VN-Index vượt đỉnh và tiếp cận mốc 1.300 điểm, chính BID lại là ngòi nổ với phiên tăng trần đầy bất ngờ vào phiên 21/5. Tính đến phiên 25/5, cổ phiếu này đã có chuỗi 4 phiên tăng giá mạnh liên tiếp, một sự bừng tỉnh khác biệt với quãng chật vật kéo dài bốn tháng trước đó.
Với sự bừng tỉnh của BID, trật tự vốn hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam được thiết lập lại, sau hiện tượng xen ngang top đầu của Techcombank. Tính đến kết phiên 25/5, Vietcombank vẫn dẫn đầu với cách biệt lớn khi đạt hơn 370 nghìn tỷ đồng vốn hóa, kế đến là VietinBank với hơn 190 nghìn tỷ đồng và BIDV đứng thứ ba với 187,8 nghìn tỷ đồng. Techcombank đã bị đẩy xuống thứ tư với 180,8 nghìn tỷ đồng.
Ngoài cách biệt lớn của Vietcombank, cuộc đua và thứ tự quy mô vốn hóa thị trường giữa các ngân hàng ở top đầu theo đó đã trở nên rất sát kề, với thay đổi vị trí hoàn toàn có thể xẩy ra giữa VietinBank, BIDV và Techcombank.
Đầu tháng 5 vừa qua, TCB có đà tăng giá ấn tượng để lần đầu tiên lên vị trí thứ hai về vốn hóa hệ thống các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, như trên, cả CTG và sự bừng tỉnh của BID đã nhanh chóng thiết lập lại. Diễn biến này đi cùng với thông tin đáng chú ý gần đây.
Như BizLIVE đề cập qua mùa ĐHĐCĐ thường niên 2021, nhóm Vietcombank, VietinBank và BIDV dự kiến sẽ sớm “có quà”, khi phương án tăng vốn điều lệ qua trả cổ tức bằng cổ phiếu đã được các cấp có thẩm quyền chấp thuận về nguyên tắc. Chuyển động mới, đầu tuần này, VietinBank có ý kiến chấp thuận từ Thủ tướng Chính phủ, về việc bổ sung gần 7.000 tỷ đồng cho kế hoạch tăng vốn…
Với diễn biến mới này, nhóm ngân hàng niêm yết có Nhà nước nắm sở hữu chi phối dự kiến sẽ sớm có nền tham chiếu mới để tính vốn hóa, đôn cao lên qua tăng vốn điều lệ và quy mô cổ phiếu niêm yết.
Đây cũng là hướng bổ sung tạo thêm cân đối trước xu hướng gia tăng và có thể lấn át thực sự từ quy mô của khối ngân hàng tư nhân, như VPBank đã “đánh tiếng” có thể vượt qua về quy mô vốn điều lệ vào cuối năm nay, MB cũng đã có kế hoạch nâng vốn lên gần vùng tương quan “Big 4”, trong khi Techcombank quy mô vốn cũng đã gần ngang vai…