Đầu năm 2018, thị trường chứng khoán diễn biến khá tích cực với hàng loạt thương vụ bán vốn Nhà nước. Thành công nhất phải kể đến 3 cuộc thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - HoSE: POW) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - UPCoM: OIL).
Đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) này thu hút lượng đặt mua vượt trội lượng chào bán. Trong đó phiên đấu giá của BSR ghi nhận số lượng người tham gia kỷ lục 4.079 nhà đầu tư, khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán. Với sức hút cao, giá trúng bình quân của BSR đã đẩy lên 23.043 đồng/cp, cao hơn 37% giá khởi điểm. Riêng nhà đầu tư nước ngoài mua thành công gần 148 triệu cổ phiếu, tương đương 61,2% số cổ phần chào bán.
Phiên đấu giá của PV Oil cũng có số lượng tham gia chỉ thua BSR, ghi nhận 3.195 nhà đầu tư. Theo đó, giá trúng bình quân cao hơn 51% giá khởi điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua được 33% lượng chào bán.
Phiên đấu giá của PV Power cũng thu hút 1.982 nhà đầu tư tham gia. Giá bình quân trúng thầu là 14.938 đồng, cao hơn giá khởi điểm 4%. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 61% tổng lượng bán.
Sau đợt IPO khá thành công của nhóm PVN, các doanh nghiệp đã bắt đầu đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM từ tháng 3/2018. Các cổ phiếu này tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư khi thanh khoản luôn ở mức cao. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại trái chiều khi liên tục dò đáy.
|
Diễn biến chung của bộ cổ phiếu BSR, OIL, POW. Nguồn: VnDirect. |
BSR lần đầu dưới xuống dưới mệnh giá
Ngày 1/3/2018, Lọc Hóa dầu Bình Sơn chính thức đưa cổ phiếu BSR lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 22.400 đồng/cp, cổ phiếu ngay lập tức tăng trần lên 31.300 đồng/cp. Đây cũng là mức đỉnh bởi cổ phiếu này liên tục mất giá sau đó.
Vào ngày 7/8 vừa qua, lần đầu tiên cổ phiếu BSR đóng cửa phiên giao dịch dưới mệnh giá, chốt ở 9.900 đồng/cp. So với mức đỉnh, BSR giảm giá trị hơn 68% và so với giá trúng IPO bình quân, nhà đầu tư đã thua lỗ 51%.
|
Diễn biến giá BSR. Nguồn: VnDirect. |
Giá cổ phiếu rớt sâu chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động kinh doanh có nhiều biến số của BSR. Công ty bất ngờ báo lỗ ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2018 khiến doanh nghiệp chỉ còn lãi ròng 3.630 tỷ đồng, đủ để hoàn thành kế hoạch năm. Trước đó, BSR có lãi kỷ lục 7.673 tỷ đồng năm 2017, tăng 73%.
Lý giải về khoản lỗ đột ngột, BSR cho biết doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi từ giá dầu thô thế giới giảm sâu. Bên cạnh đó, Crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính) suy giảm nghiêm trọng khiến doanh nghiệp thua lỗ và phải trích lập dự phòng.
Có thể thấy hoạt động kinh doanh của BSR chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu thô. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các biến số khác như nguồn cung lớn từ nhà máy Nghi Sơn, tiến độ nâng cấp mở rộng nhà máy, chính sách thuế ưu đãi doanh nghiệp, chính sách thu điều tiết, chính sách nhập khẩu dầu thô chưa được tháo gỡ…
BSR là đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Nhà máy cũng lên kế hoạch nâng cấp mở rộng vào năm 2021 để tăng công suất chế biến lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.
PV Power và PV Oil cũng lao dốc
Sau BSR, PV Power đưa cổ phiếu lên giao dịch trên hệ thống UPCoM vào 6/3/2018 với giá tham chiếu 14.900 đồng/cp và tăng mạnh lên 17.800 đồng/cp ngay trong phiên, đây cũng là mức đỉnh của cổ phiếu.
|
Diễn biến giá POW. Nguồn: VnDirect. |
Giá cổ phiếu POW sau đó biến động theo hình sin khi doanh nghiệp có những "câu chuyện riêng" như chuyển sàn niêm yết sang HoSE, lọt rổ MSCI Frontier Markets, các quỹ ETF mua vào…
Tính đến 9/8, cổ phiếu POW đóng cửa ở mức 13.450 đồng/cp, giảm gần 25% so với mức đỉnh. Vốn hóa thị trường theo đó đạt gần 31.500 tỷ đồng. Ngoài PVN nắm giữ 80% vốn thì nhóm quỹ Dragon Capital cũng nắm giữ khoảng 138 triệu cổ phiếu (tính đến 20/6), tỷ lệ 5,9%.
Về hoạt động kinh doanh, PV Power báo lãi kỷ lục 2.600 tỷ đồng năm 2017, tăng 71%. Tuy nhiên giống BSR, doanh nghiệp cũng quay đầu báo lãi giảm năm 2018, chỉ còn 575 tỷ đồng.
PV Power là doanh nghiệp phát điện độc lập lớn nhất tại Việt Nam với thị phần phát điện là 12%. Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với nhu cầu tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 10% trong 3 năm tới.
PV Oil chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán vào 7/3/3018. Giá tham chiếu ngày đầu là 20.200 đồng/cp và cổ phiếu nhanh chóng đạt đỉnh 24.200 đồng/cp.
|
Diễn biến giá OIL. Nguồn: VnDirect. |
Giống như 2 đơn vị trên, cổ phiếu OIL cũng bắt đầu lao dốc sau phiên chào sàn hưng phấn. Tính đến nay, OIL chỉ còn 11.700 đồng/cp, tương đương giảm 52% so với mức đỉnh và 42% so với giá bình quân khi IPO.
Hoạt động kinh doanh của PV Oil cũng bất ngờ suy giảm sau IPO, doanh nghiệp chỉ còn lãi hơn 17 tỷ đồng năm 2018, giảm đến 95% so với năm 2017.
PV Oil đang đứng thứ hai về thị phần xăng dầu khi chiếm tỷ trọng 20 - 22%, do đó công ty vẫn còn dư địa tăng trưởng cao. PV Oil còn cung cấp toàn bộ dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm. Công ty có mạng lưới hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu trên cả nước.
|
Câu chuyện thoái vốn của PVN và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của 3 doanh nghiệp trên vẫn đang bỏ ngõ. Từng có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia làm cổ đông chiến lược nhưng vì nhiều nguyên nhân như thời gian quá ngắn để đánh giá doanh nghiệp, quy mô thoái vốn lớn, quy định của Nhà nước... khiến câu chuyện này vẫn tiếp tục bị trì hoãn.