Trước việc cổ phiếu cảng biển thời gian gần đây tăng mạnh sau thông tin Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) công bố dự thảo thông tư điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán HSC (HCM) khẳng định điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển chỉ có tác động nhỏ đến hoạt động cảng biển. Câu chuyện tăng trưởng dài hạn dựa trên gia tăng thương mại.
Chi tiết, dự thảo thông tư đề xuất giảm 18% giá sàn áp dụng cho dịch vụ bốc dỡ container nội địa từ tàu vào cảng và ngược lại đối với container 20 feet từ 350.000 đồng xuống 286.000 đồng, giảm 10% đối với container 40 feet từ 539.000 đồng xuống 483.000 đồng; áp dụng từ 1/1/2019.
Ngược lại, kiến nghị tăng giá sàn cho container quốc tế theo 2 phương án:
(1) Phương án 1: Giá sàn sẽ điều chỉnh tăng 10% từ 30 USD lên 33 USD cho container 20 feet và từ 45 USD lên 50 USD cho container 40 feet từ 1/1/2019 cho các cảng ngoại trừ cảng Lạch Huyện. Cùng với đó, giá sàn áp dụng cho cảng Lạch Huyện sẽ được giữ nguyên ở mức 46 USD cho container 20 feet và 68 USD cho container 40 feet.
(2) Phương án 2: Giá sàn sẽ điều chỉnh tăng 10% (từ 30 USD lên 33 USD cho container 20 feet và từ 45 USD lên 50 USD cho container 40 feet) từ 2019, và tăng tiếp 12% từ 2020 (lên 37 USD cho container 20 feet và 56 USD cho container 40 feet), từ 2021 thì tăng tiếp 11% (lên 41 USD cho container 20 feet và lên 62 USD cho container 40 feet). Riêng giá sàn áp dụng cho cảng Lạch Huyện sẽ được điều chỉnh tăng 13% từ 2021 (từ 46 USD lên 52 USD cho container 20 feet và từ 68 USD lên 77 USD cho container 40 feet).
Được biết, BGTVT bắt đầu quy định giá sàn cho dịch vụ bốc dỡ container từ tàu vào cảng và ngược lại từ 1/7/2017. Giá sàn là mức giá tối thiểu các nhà vận hành cảng thu của các hãng tàu để bốc dỡ hàng hóa từ tàu vào bến cảng, xà lan và xe tại cảng và ngược lại, được Bộ bắt đầu quy định từ 1/7/2017. Đối với thông tư điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển trên, Bộ đang lấy ý kiến các nhà vận hành cảng biển và kỳ vọng sẽ được phê duyệt vào quý 4/2018.
Trước điều này, HSC lưu ý dịch vụ bốc dỡ container đóng góp khoảng 60% doanh thu vận hành cảng biển, theo sau bởi dịch vụ lưu kho bãi và các dịch vụ khác. Các doanh nghiệp vận hành cảng biển tiếp nhận chủ yếu hàng hóa từ các hãng tàu quốc tế, do đó ảnh hưởng ròng của việc điều chỉnh giá dịch vụ trên là tăng doanh thu bốc dỡ container khi giả định khối lượng hàng hóa không đổi.
Theo HSC, mặc dù giá dịch vụ bốc dỡ container tăng nhẹ, dự thảo thông tư này sẽ có ảnh hưởng nhỏ đến cung/cầu vốn thay đổi không ngừng về dịch vụ cảng biển ở Hải Phòng. Các nhà vận hành cảng biển tính phí chung nên việc tăng giá dịch vụ bốc dỡ sẽ được bù bởi giảm giá các dịch vụ khác mà không bị quy định. Động lực chính của giá dịch vụ sẽ là việc dư thừa công suất ở khu vực này, dẫn đến giá dịch vụ bình quân đang giảm dần.
Cụ thể, dựa trên kế hoạch hiện tại, hiệu suất của các cảng ở Hải Phòng sẽ giảm từ 90% trong năm 2017 xuống 73% vào cuối năm 2018. Trong bối cảnh này, việc điều chỉnh nhỏ trong giá sàn cho container nội địa và quốc tế sẽ chỉ có ảnh hưởng nhỏ đến giá chung và các doanh nghiệp vận hành cảng biển dễ dàng giảm giá các dịch vụ khác để bù đắp cho hãng tàu. Do vậy, HSC dự báo giá bình quân dịch vụ ở khu vực này sẽ giảm 5% trong 2018 và giảm tiếp 3% trong năm 2019.
Cổ phiếu cảng biển có 2 phiên tăng mạnh rồi nhanh chóng hạ nhiệt
Song song, HSC cũng nhận định rằng câu chuyện dài hạn trong vận hành cảng biển dựa trên việc kỳ vọng thương mại sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức CAGR đạt 17% trong 3 năm tới nhờ một phần từ tăng trưởng FDI. HSC nhận thấy việc tranh chấp thương mại Trung Quốc và Mỹ kéo dài sẽ là yếu tố tích cực cho Việt Nam nhờ việc chuyển đổi năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Do đó, cổ phiếu doanh nghiệp cảng biển đã bật lên nhờ tin tức liên quan đến dự thảo thông tư nhưng câu chuyện chỉ có giá trị thoáng qua và không phải động lực lớn, đơn vị chứng khoán này khẳng định.