Xuất khẩu cao su lũy kế 5 tháng tăng 59% về lượng và 94% về giá trị
Trong các tháng đầu năm 2021, ngành cao su thiên nhiên liên tiếp đón tin vui từ xuất khẩu. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính trong tháng 5, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 80.000 tấn, trị giá 139 triệu USD; tăng 7,2% về lượng và gần 55% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.738 USD/tấn, tăng 44,6% so với tháng 5/2020.
Lũy kế 5 tháng, xuất khẩu cao su ước đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD; tăng 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, xuất khẩu cao su đang dần giảm so với các tháng cuối năm 2020.
Đơn vị: Triệu USD
Trên thị trường quốc tế, giá cao su thiên nhiên kỳ hạn tại sàn giao dịch Tokyo đạt khoảng 245 JPY/kg, tăng 18% so với đầu tháng 4 và gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tradingeconomics |
Trong nước, tại Bình Phước - một trong những địa phương có diện tích cây cao su lớn, giá thu mua mủ nước vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 khoảng 382 – 385 đồng/độ, cao hơn 50 đồng/độ so với mặt bằng chung năm trước. Còn mủ chén (mủ đặc) giá thu mua hiện nay 17.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu tháng 6 cũng ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại, tăng so với mức 13.000-14.000 đồng/kg cùng kỳ năm trước.
Theo nhiều chuyên gia, giá cao su tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm mà nhu cầu tăng cao không chỉ ở lĩnh vực sản xuất găng tay cao su, băng dán mà cả lốp xe.
Ngoài ra, giá dầu tăng mạnh thời gian qua cũng là yếu tố thúc đẩy giá phân. Giá dầu thô WTI và Brent hiện đang ở vùng 73-74 USD/thùng, tăng 43-51% so với đầu năm.
Nguồn: Tradingeconomics |
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRCP), sản lượng cao su dự kiến ở một số nước thành viên như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka quý II sẽ thấp hơn so với quý I do đại dịch Covid-19 bùng phát và dịch bệnh trên cây cao su. Ngược lại, sản lượng của Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Philippines sẽ tăng, dù vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn như dịch bệnh thực vật bùng phát và đại dịch Covid-19 diễn biến xấu đi.
Trái chiều kế hoạch lợi nhuận 2021
Trong bối cảnh đó, không ‘rầm rộ’ như nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép hay chứng khoán nhưng nhóm cổ phiếu cao su cũng đã "âm thầm" tăng giá đáng kể trong 2 tháng qua.
Đơn vị: 1.000 đồng |
Tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu của Cao su Đồng Phú ( HoSE: DPR ). Mã chứng khoán DPR chốt phiên 15/6 ở vùng giá 63.800 đồng/cp, tăng 31% so với giữa tháng 4.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ban lãnh đạo Cao su Đồng Phú dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 gồm doanh thu tăng 30% đạt 1.076 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 115% lên 420 tỷ đồng. Riêng quý I, doanh thu đơn vị đạt 202 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng, cùng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng 23% cùng giá bán tăng 25% đã giúp kết quả kinh doanh quý I của công ty vượt trội.
Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ cổ phiếu DPR nữa là lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 40% mệnh giá, đã tạm ứng 25% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 từ quỹ đầu tư phát triển.
Cổ phiếu của Công ty Đầu tư Cao su Đắk Lắk ( UPCoM: DRI ) cũng tăng giá 25% từ 9.300 đồng/cp lên 11.700 đồng/cp trong 2 tháng qua và tăng 46% tính từ đầu năm.
Tương tự Cao su Đồng Phú, Đầu tư Cao su Đắk Lắk cũng có kết quả kinh doanh vượt trội quý I, doanh thu gấp 2,4 lần đạt 125 tỷ đồng; lãi sau thuế 16,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 9 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết sản lượng bán hàng trong quý đạt 3.126 tấn, tăng 112%; giá bán mủ đạt 1.692,7 USD/tấn, tăng 37% so với quý I/2020.
Báo cáo của HĐQT Đầu tư Cao su Đắk Lắk nhận định các hiệp định thương mại tự do EVFTA, UKVFTA, RCEP có hiệu lực sẽ tác động tích cực giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu Việt Nam trong đó có mặt hàng cao su. Do đó, doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến 60% cơ cấu doanh thu năm 2020 và mục tiêu tăng lên 65% năm 2021.
Đơn vị lên kế hoạch doanh thu 587 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 53 tỷ đồng năm 2021, lần lượt tăng 33% và 56% so với thực hiện 2020.
Đơn vị: tỷ đồng |
Phiên ngày 15/6, cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ) bất ngờ tăng trần lên 31.800 đồng/cp với dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. Xét trong 2 tháng qua, cổ phiếu này cũng đã tăng giá 19,3% từ vùng giá 26.700 đồng/cp lên 31.800 đồng/cp.
Quý I, Tập đoàn Cao su lãi lớn với 1.216 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước nhờ mảng mảng truyền thống mủ cao su khởi sắc với doanh thu tăng mạnh từ 1.279 tỷ đồng lên 2.719 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng công nghiệp cao su và chế biến gỗ cũng tăng mạnh trong khi bất động sản khu công nghiệp giảm.
Tuy nhiên, báo cáo gửi cổ đông trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, ban lãnh đạo tập đoàn vẫn đánh giá năm 2021 là năm đầy khó khăn, nhất là hoạt động khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất do giá bán cao su có tín hiệu khởi sắc nhưng chưa ở mức kỳ vọng; khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Do vậy, HĐQT đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu tăng 4% lên 26.914 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 10% xuống 4.654 tỷ đồng.
Cùng quan điểm, lãnh đạo Cao su Tây Ninh ( HoSE: TRC ) cũng đánh giá ngành cao su dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm nay do giá bán mủ biến động liên tục, từ năm 2021 trở đi các dự án tái canh trồng cao su không còn được miễn tiền thuê đất trong giai doạn đầu tư xây dựng cơ bản, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiện chậm lại…
Theo đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tới đây, HĐQT dự kiến trình chỉ tiêu lãi trước thuế công ty mẹ năm 2021 ở mức 77 tỷ đồng, giảm 31% so với năm trước.