Kết thúc tuần giao dịch 13-17/4/2020, chỉ số tiếp tục hồi phục lên xấp xỉ 790 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu chăn nuôi đặc biệt tăng trưởng mạnh, giữa bối cảnh nhu cầu thực phẩm tăng cùng với ngành hồi phục mạnh dưới tác động của giá thịt lợn.
Được biết, giá thịt lợn tăng cao tác động mạnh tới chuỗi sản xuất – chăn nuôi theo hướng tích cực. Các doanh nghiệp từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi và thương mại đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng sau khi đã chạm đáy năm 2017.
Mặc dù đã có chỉ đạo điều tiết giá thịt lợn trước tình trạng nhảy múa từ giai đoạn đầu bùng phát dịch, đến nay giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ghi nhận, giá lợn hôm 17/4 đã tăng thêm từ 10.000 - 12.000 đồng/kg và nằm ở mức 88.000-90.000 đồng/kg. Nguyên nhân theo giới quan sát là do lo ngại khan hiếm, trước đó là dịch tả heo Châu Phi khiến tổng đàn heo giảm mạnh.
Mặt khác, dịch bệnh thay đổi cách mua hàng của người tiêu dùng trong ngắn hạn; kết quả lượng tồn kho của các doanh nghiệp bán hàng qua hệ thống siêu thị sẽ giảm mạnh nhờ xu hướng tiêu dùng mua đồ tích trữ của người dân.
Trở lại với giao dịch cổ phiếu, đáng chú ý mã DBC liên tục tăng tốt những phiên gần đây, sau thông tin lãi quý 1/2020 đột biến. Thậm chí, 2 phiên cuối tuần DBC tăng trần, khối lượng giao dịch cải thiện đáng kể. Kết phiên 17/4, DBC ghi nhận mức giá 28.000 đồng/cp, tăng gấp đôi so với mức đáy gần nhất thiết lập vào cuối tháng 3/2020.
Kết thúc quý 1/2020, doanh thu DBC tăng lên 3.268 tỷ đồng, tăng 83% và lợi nhuận sau thuế trên 340 tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng thực phẩm tăng mạnh. Những năm trước đây, doanh thu của DBC chủ yếu từ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2018, DBC đẩy mạnh mảng sản xuất thịt lợn, trứng gà giúp doanh thu tăng vọt. Sang năm 2019, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi chiếm 40,6% trong khi trứng, thịt lợn chiếm 28,4%.
"Mặc dù chiếm tỷ trọng ngày càng tăng tuy nhiên giá thịt lợn biến động cao khiến lợi nhuận của mảng này không được ổn định. Đây cũng là rủi ro lớn với DBC và nhà đầu tư cần lưu ý biến động giá thịt lợn trên thị trường nếu đầu tư DBC", theo quan điểm Chứng khoán Đại Nam.
Cũng tăng gấp đôi thị giá, cổ phiếu MLS của CTCP Chăn nuôi – Mitraco hiện đang giao dịch tại mức 11.700 đồng/cp. Liên tục kịch trần, thị giá MLS tăng mạnh từ mức 5.000-6.000 đồng/cp chỉ sau 1 tuần giao dịch, mặc dù vậy thanh khoản vẫn bèo bọt.
Mitraco là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn tại khu vực miền Trung. Kế hoạch cho năm 2020, Công ty dự kiến doanh thu 255 tỷ đồng, gần như đi ngang; lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 11,5 tỷ - cải thiện đáng kể so với mức lỗ ròng gần 11 tỷ trong năm 2019.
Tăng mạnh còn có cổ phiếu VSN của Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Thị giá VSN tăng hơn 56% chỉ sau 1 tuần giao dịch, từ mức 24.000 đồng/cp (13/4) lên mức 32.000 đồng/cp (chốt phiên 17/4), thanh khoản cải thiện đáng kể.
Hiện, ngành nghề kinh doanh chính của Vissab là sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm thịt heo, bò, thịt gia cầm tươi sống và đông lạnh. Năm 2019, tổng sản lượng thịt heo đạt 24.335 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ. Trong khi sản lượng thịt bò đạt 1.645 tấn (tăng 12%) và thực phẩm chế biến đạt 26.720 tấn, tăng 16% so với năm 2018.
Lên kế hoạch cho năm 2020 Vissan đặt mục tiêu đạt 5.580 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng khoảng 12% so với năm 2019. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế ước đạt 180 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; trong đó ước tính sản lượng thịt heo giảm 12% xuống còn 21.332 tấn, ngược lại dự kiến sản lượng thịt bò và thực phẩm chế biến đều tăng lần lượt 5% và 9%.
Một đơn vị chăn nuôi khác, mã PSL của Chăn nuôi Phú Sơn cũng kịch trần, tăng từ vùng 17.000 đồng/cp lên 23.000 đồng/cp sau vài phiên giao dịch, thanh khoản không có nhiều thay đổi. Được biết, PSH hiện sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm, thủy sản và những vật nuôi khác: cá sấu, đà điểu, baba...; chế biến súc sản, thủy sản...
Hay mã MML của Masan MeatLife cũng "thăng hoa", hiện giao dịch tại mức 59.800 đồng/cp.