Chứng khoán cơ sở đi lên từ cuối tháng 3/2020 đồng nghĩa với việc chứng quyền có bảo đảm (CW - Covered warrant) hưởng lợi theo do Việt Nam mới chỉ triển khai chứng quyền mua. Nhà đầu tư sở hữu chứng quyền mua được mua một số lượng chứng khoán cơ sở trong tương lai. Thị giá chứng khoán cơ sở tăng cao hơn giá hòa vốn giúp nhà đầu tư hưởng lợi phần chênh lệch.
Trong trường hợp nhà đầu tư không mua CW trong lần đầu phát hành (IPO) cũng có thể hưởng lợi tương tự giao dịch cổ phiếu, với tỷ suất lợi nhuận lớn hơn do đòn bẩy cao. Bởi lẽ, giá CW thường thấp hơn nhiều trong khi biên độ biến động tuyệt đối bằng với cổ phiếu cơ sở.
Ví dụ, giá tham chiếu 1 CW là 1.900 đồng, với tỷ lệ chuyển đổi 1:1. Trong phiên giao dịch, giá cổ phiếu cơ sở là 30.000 đồng, biên độ giao dịch giá là 27.900 - 32.100 đồng/cp (chênh lệch 2.100 đồng so với giá tham chiếu). Do đó, biên độ giao dịch CW sẽ là 10 đồng (do không có giá âm) - 4.000 đồng (= 1.900 đồng + 2.100 đồng), tức biên độ lên tới hơn 100%.
Thực tế thời gian qua, thị trường CW cho thấy sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, kể từ tháng 10/2020 đến 18/1/2021, tổng giá trị khớp lệnh bình quân CW đạt hơn 68,6 tỷ đồng/phiên, gấp hơn 3 lần so với thời điểm từ tháng 6-9/2020 với chỉ 11,8 tỷ đồng/phiên. Trong 2 tuần gần đây, giá trị giao dịch thậm chí vượt 100 tỷ đồng.
Diễn biến khối lượng khớp lệnh trên thị trường CW.
Hiện tại có 76/116 CW đang giao dịch tại ngày 18/1 với giá cao hơn giá IPO. Trong đó, 20 CW mang đến cho nhà đầu tư mức lãi trên 200%. CMSN2012 đang có mức lợi nhuận lớn nhất so với thời điểm IPO với 641%.
Chi tiết các CW có mức lãi trên 200% so với thời điểm IPO. |
Sự xuất hiện của CW, đặc biệt trên các mã cổ phiếu đã hết room ngoại, góp phần giúp dòng vốn ngoại được khơi thông, bên cạnh chứng chỉ quỹ ETF. Tuy nhiên, do quy mô thị trường CW rất nhỏ và thời gian đáo hạn dưới 12 tháng nên chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư tổ chức.
Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư giao dịch CW trên sàn thời gian qua đều có lãi, thậm chí gấp hơn 4 lần chỉ sau 1 tháng như CVNM2014. Một số CW khác cũng tăng bằng lần sau 1 tháng là CVRE2007 (277,2%), CVHM2006 (230%), CTCH2001 (229%)...
Điểm đáng chú ý là các CW tăng giá mạnh hơn rất nhiều so với biến động của giá cổ phiếu cơ sở. Chẳng hạn, CVNM2014 tăng 318% nhưng nếu tính theo biến động giá cổ phiếu cơ sở, mức tăng chỉ là 99%.
Các CW vượt xa mức tăng hợp lý trong 1 tháng qua. (*) % thay đổi của CW sau 1 tháng dựa theo mức tăng thực tế của cổ phiếu cơ sở đã được chia theo tỷ lệ. |
Theo quan sát của ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch Phái sinh Chứng khoán SSI ( HoSE: SSI ), phần lớn các CW đang ở trạng thái giá giao dịch của cổ phiếu cơ sở lớn hơn giá thực hiện của CW (deep the money), nên việc nhà đầu tư mua CW ở thời điểm hiện tại sẽ tương đương với việc mua cổ phiếu cơ sở và sử dụng ký quỹ (margin).
Ông Thông cho biết thêm, trong trường hợp thị trường đảo chiều, nhà đầu tư tham gia mua CW sẽ không bị rủi ro call margin như cổ phiếu.Tuy nhiên, việc nhiều mã CW tăng rất mạnh trong thời gian ngắn dẫn đến việc nhà đầu tư có phần quên mất những rủi ro của thị trường này.
Đầu tiên, nhà đầu tư có thể mất toàn bộ vốn đầu tư nếu nắm giữ CW đến ngày đáo hạn mà giá cổ phiếu cơ sở thấp hơn giá thực hiện. Lịch sử cũng cho thấy khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư tham gia IPO nhưng khi CW được niêm yết, thị giá giảm tới hơn 90%.
Với việc giao dịch trên sàn, mức giảm của các CW cũng lớn hơn rất nhiều so với chứng khoán cơ sở - có thể lên tới 50-60% mỗi phiên hoặc hơn.