Thị trường chứng khoán năm 2021 trải qua những ngày tháng giao dịch sôi động chưa từng có trong lịch sử, hàng loạt đỉnh mới được phá vỡ nhờ lực đẩy từ làn sóng gia nhập ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân (F0). Sau giai đoạn nửa đầu năm "bung sức" của các nhóm vốn hóa lớn như "bank, chứng, thép" thì giai đoạn còn lại của năm 2021 chứng kiến sự bùng bổ của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm là các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao.
Hàng loạt cổ phiếu có thị giá bằng hoặc thấp hơn một cốc trà đá (5.000 đồng/cổ phiếu) đã bất ngờ tăng mạnh, tăng bằng lần cùng với thanh khoản đột biến dù không có nhiều thông tin hỗ trợ, thậm chí còn nhiều thông tin kém tích cực về hoạt động kinh doanh. Thống kê cho thấy tại thời điểm kết phiên ngày 23/12/2021, thị trường chỉ còn 116 cổ phiếu có thị giá từ 5.000 đồng trở xuống, trong khi con số này vào thời điểm ngày 31/12/2020 lên tới 309 cổ phiếu, tương ứng giảm chỉ còn khoảng 1/3.
Danh sách cổ phiếu thị giá dưới 5.000 đồng/cp trên toàn thị trường (tính đến hết phiên 23/12/2021)
Đa số các cổ phiếu "trà đá, rau dưa" trên phần lớn đều có mức tăng rất ấn tượng, có tới 58 cổ phiếu trong nhóm này đã tăng trưởng trên 100% từ đầu năm đến nay, quán quân điểm đến tên ATA với mức tăng tới... 20 lần, từ 200 đồng/cổ phiếu lên mức 4.200 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, danh sách ghi nhận 21 mã "dậm chân" tại vùng giá cũ và chỉ có 13 mã giảm điểm.
Nhìn rộng hơn, số cổ phiếu có thị giá dưới mệnh (dưới 10.000 đồng) trên cả 3 sàn hiện đã giảm từ 675 cổ phiếu hồi đầu năm xuống còn 337 cổ phiếu vào thời điểm gần khép lại năm 2021.
Cổ phiếu dưới 5.000 đồng/cp "bay màu" hoàn toàn trên HoSE
Xét riêng trên từng sàn, tính tới thời điểm chốt phiên 23/12, HoSE không còn cổ phiếu nào có thị giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, danh sách cổ phiếu thị giá từ 10.000 đồng trở xuống cũng chỉ còn vỏn vẹn 20 thành viên, toàn bộ những cổ phiếu này đều đã tăng trưởng dương trong năm qua.
Danh sách cổ phiếu thị giá dưới mệnh trên HoSE tính đến hết phiên 23/12/2021
Thị giá thấp nhất trên sàn là cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân, đạt 7.190 đồng/cổ phiếu. Hồi đầu năm 2021, thị giá FTM chỉ là 1.420 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sau gần 1 năm đã tăng gấp hơn 5 lần kèm theo đó là thanh khoản cũng tăng mạnh từ mức vài trăm nghìn lên cả triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.
Những cổ phiếu thị giá thấp hơn mệnh, đạt mức tăng bằng lần trên HoSE trong năm qua có thể kể tới là LCM tăng 851%, DLG tăng 521%, HQC tăng 370%, MCG tăng 338%, QBS tăng 206%, AMD tăng 193%, HAI tăng 182%, TNI tăng 148%, PXI tăng 135%, HVX tăng 131%...
Một cổ phiếu không thể không kể tới trong năm 2021 chính là TGG của CTCP Louis Capital khi tăng "sốc" từ mức thị giá chỉ 1.170 đồng/cổ phiếu hồi cuối năm 2020 lên mức đỉnh lịch sử 74.800 đồng/cổ phiếu (phiên 22/9), tương ứng tăng gấp 64 lần. Tuy nhiên ngay sau đó, thị giá liên tục rơi nhanh, nằm sàn la liệt, hiện chốt phiên 23/12 đạt 21.250 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ đông nếu vào "đúng đỉnh" đã thua lỗ tới gần 72% chỉ sau khoảng 3 tháng nắm giữ.
Diễn biến cổ phiếu TGG trong vòng 1 năm qua
Vỏn vẹn 3 cổ phiếu "trà đá" trên HNX, sàn UPCoM giảm gần nửa cổ phiếu giá rẻ như cho
HNX ghi nhận 3 cổ phiếu là VAT, ACM và LCS có thị giá thấp hơn 5.000 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh từ còn số 68 cổ phiếu hồi đầu năm. Ngoại từ VAT gần như "đóng băng" giao dịch, ACM và LCS lần lượt đạt mức tăng gấp 3,2 lần và 2,3 lần so với đầu năm lên 3.200 đồng/cổ phiếu và 4.700 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, sàn UPCoM xưa nay được biết đến là nơi quy tụ của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn, thường ít được chú ý vì ít thông tin cũng như thanh khoản thấp. Tuy vậy, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu đầu cơ của lượng lớn nhà đầu tư cá nhân đã thổi sức nóng lên nhóm các cổ phiếu tại đây, thị giá nhiều mã sau nhiều năm đứng im bỗng leo dốc hàng trăm phần trăm.
Từ 201 cổ phiếu giá dưới 5.000 đồng/cp, một năm bùng nổ giao dịch giúp con số này trên sàn UPCoM giảm mạnh chỉ còn 113 cổ phiếu. Ngoại trừ ATA, mức tăng "chục lần" còn ghi nhận trên những cổ phiếu như NOS của CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông tăng 12 lần hay AVF của CTCP Việt An tăng 11 lần kể từ đầu năm nay.
Nhắc tới NOS, mặc cho hàng loạt doanh nghiệp vận tải biển báo lãi lớn trong năm 2021 nhờ nhu cầu và giá cước tăng cao, NOS vẫn là cái tên chưa thể thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên hàng chục năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, NOS báo lỗ 111 tỷ đồng, vốn chủ âm gần 4.300 tỷ do khoản lỗ lũy kế lên đến 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu NOS lại có diễn biến tích cực khi chốt phiên 23/12 đạt 2.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 12 lần kể từ đầu năm, song thanh khoản không mấy dồi dào do cơ cấu cổ đông khá cô đặc.
Diễn biến cổ phiếu NOS trong vòng 1 năm qua
Trong khi đó, AVF của Việt An gây chú ý hồi giữa năm nay sau thông tin nguyên Tổng giám đốc Lưu Bách Thảo bị bắt tạm giam. Theo kết quả điều tra giai đoạn 2010-2014, Việt An cùng với CTCP Xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty TNHH Minh Giàu đã lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank. Cổ phiếu giảm sàn vài phiên liên tục, song so với mức giá đầu năm 2021 vẫn tăng tới 1.000% lên 2.400 đồng/cp.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm gần đây, ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng, "một số cổ phiếu vẫn đang có thị giá thấp hơn nhất nhiều so với giá trị hợp lý của doanh nghiệp, như những viên ngọc thô chưa được khai phá, cho thấy tiềm năng lớn của các cổ phiếu giao dịch UPCoM. Đặc biệt khi biên độ dao động của UPCoM là lớn tới 15% thì các cổ phiếu sẽ càng trở nên hấp dẫn với giới đầu tư".
Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng đà tăng giá không thể kéo dài mãi mãi, việc mua cổ phiếu đầu cơ theo lời "phím hàng" luôn tiềm ẩn rủi ro như khi xây lâu đài trên cát, nhà đầu tư hoàn toàn có thể bị mất tất cả bất kỳ lúc nào. Thị trường chứng khoán là nơi cần "cái đầu lạnh", và dòng tiền đến cuối cũng sẽ chuyển qua những cổ phiếu trụ cột đi kèm những yếu tố nội tại tốt của doanh nghiệp.