Trên thị trường chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư tin rằng một cổ phiếu đã tăng giá trong thời gian dài thì sẽ tiếp tục tăng thêm nữa trong phiên tiếp theo. Warren Buffett ví hiện tượng này với tình huống trong môn bóng rổ, rằng một vận động viên ném bóng vào rổ thành công vài lần liên tiếp thì rất có thể sẽ tiếp tục thành công ở lần tiếp theo.
Nhà đầu tư căn cứ vào các triển vọng kinh doanh được dự phóng trước nhiều năm trong tương lai để mua cổ phiếu với mức giá hiện tại. Chỉ cần một công ty niêm yết được nhiều nhà phân tích đồng thuận về khả năng tạo ra lợi nhuận lớn trong một vài năm tới, cổ phiếu của công ty đó sẽ ngay lập tức được các nhà đầu tư săn đón mua vào cho đến khi giá phản ánh hết các triển vọng nói trên.
Những cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất thế giới trong nhóm FAANG (bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google Alphabet) đã miệt mài tăng trưởng trong suốt 10 năm qua kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. So với mức giá năm 2008, cổ phiếu của Google tăng giá khoảng 6 lần, Apple tăng khoảng 10 lần và Amazon tăng khoảng 20 lần tại thời điểm đầu tháng 10/2018.
Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, tất cả các cổ phiếu trong nhóm trên đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ từ 15% – 20% so với mức đỉnh và kéo theo chuỗi những phiên giảm điểm mạnh và liên tiếp của các cổ phiếu công nghệ khác nói riêng cũng như thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường chứng khoán khác trên thế giới nói chung.
Doanh thu tăng – cổ phiếu giảm
Nhiều người bi quan cho rằng đợt giảm giá mạnh lần này, cùng với các dấu hiệu bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu, là dấu hiệu chấm dứt thị trường giá lên kéo dài trong suốt thập kỷ qua. Trong khi đó, vẫn có một bộ phận nhà đầu tư tin tưởng đây chỉ là đợt điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn và là cơ hội để mua vào các cổ phiếu công nghệ, đang có mức giá trở lại vùng hợp lý hơn. Trước đó, cổ phiếu Amazon đã được giao dịch ở mức giá 160 lần thu nhập trong tháng 9/2018. Mặc dù sự điều chỉnh của cổ phiếu này trong đợt sụt giảm giá gần đây là đáng kể, nhưng mức giá hiện tại của cổ phiếu trong tương quan với thu nhập vẫn ở mức rất cao, vượt quá bất kỳ tiêu chuẩn định giá cổ điển nào.
Trên thực tế, các cổ phiếu công nghệ giảm mạnh trong bối cảnh nhiều công ty khổng lồ trong lĩnh vực này công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng kỷ lục. Google báo cáo doanh thu quảng cáo tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ dịch vụ thuê bao của Amazon đã tăng 52% trong Q3/2018 sau khi áp dụng mức giá tăng với các thành viên hạng cao cấp (Prime) của mình. Đặc biệt, lợi nhuận từ mảng điện toán đám mây của Amazon tăng trưởng 77%. Microsoft cũng đạt mức tăng trưởng 76% với doanh thu dịch vụ điện toán đám mây và mức tăng trưởng mạnh không kém từ phần mềm Windows.
Nhà đầu tư lo lắng điều gì?
Hầu hết các công ty công nghệ đều đang ở đỉnh cao doanh thu và lợi nhuận, nhưng một số đã bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu có thể làm một vài nhà đầu tư nhạy cảm trở nên bất an. Amazon đang thực hiện tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ và dự kiến doanh số bán hàng cũng tăng trưởng yếu hơn trong Quý 4. Thị phần quảng cáo kỹ thuật số của Google đang bắt đầu giảm trong khi chi phí để thu hút người dùng sử dụng dịch vụ tìm kiếm của mình có dấu hiệu gia tăng. Facebook cũng đang phải đấu tranh với các cáo buộc và đe dọa bị kiểm soát chặt chẽ việc kiếm tiền từ dữ liệu người dùng của họ. Gần đây, công ty này cũng bắt đầu thuê đội ngũ nhân viên số lượng lớn để thực hiện việc lọc và xây dựng hệ thống lọc/loại bỏ tin giả. Apple cũng bắt đầu phải tìm kiếm nhiều thị trường mới để bán các sản phẩm iPhone của mình khi nhu cầu tại Mỹ đang dần bão hòa, thông qua động thái ở Apple Store ở một vài quốc gia mới gần đây.
Nhìn ra rộng hơn, bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới cũng đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gây sức ép mạnh mẽ lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay cũng như thời gian tới. Tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Đồng USD tăng giá cũng đe dọa sự ổn định của nhiều quốc gia mới nổi.
Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng đã chú ý tới việc thắt chặt quản lý các trang mạng xã hội sử dụng thông tin người dùng cho mục đích kiếm tiền, đặc biệt tại châu Âu. Các quy định về quyền riêng tư của Liên minh châu Âu khiến cho Facebook, Google và Twitter gặp khó khăn nhiều hơn trong việc kiếm tiền từ dữ liệu người dùng. Brussels thậm chí đã phạt 5 tỷ USD trong tháng 7/2018 đối với các vi phạm về độc quyền thông tin và hiện đang điều tra Amazon vì bị cáo buộc sử dụng dữ liệu người dùng để điều hướng khách hàng nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, sự đe dọa cạnh tranh nữa đối với các tập đoàn này cũng đang xuất hiện. Các công ty truyền thống trong cùng lĩnh vực, sau một thời gian bị choáng ngợp trước những đột phá công nghệ mà các tập đoàn này tạo ra, thì hiện đang bắt đầu học tập và cải thiện vị thế cạnh tranh của mình. Walmart, Target và các nhà bán lẻ truyền thống khác cũng đang đầu tư mạnh mẽ trong hoạt động trực tuyến để cạnh tranh với Amazon. Disney cũng đã đàm phán mua lại kho phim và sản phẩm giải trí từ 21st Century Fox để xây dựng kho dịch vụ giải trí trực tuyến của mình nhằm hạn chế sự bành trướng của Netflix. Lĩnh vực điện toán đám mây cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh dày đặc từ những công ty được hậu thuẫn bởi các tập đoàn khổng lổ, chẳng hạn như IBM.
Mặc dù đã điều chỉnh mạnh từ mức đỉnh hồi đầu tháng 10/2018, mức giá giao dịch hiện tại của các cổ phiếu công nghệ vẫn đang rất cao so với triển vọng thu nhập trong vài năm tới. Trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các căng thẳng xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới như hiện nay, rất khó để tin rằng sự sụt giảm vừa qua đang tạo ra món hời ở các cổ phiếu công nghệ trên thị trường.