Ngày 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Giấy phép này có hiệu lực trong 3 năm.
Trong đó, có thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar (mã chứng khoán MKP) sản xuất. Còn nhà thuốc Long Châu - công ty con của FPT Retail là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối thuốc điều trị COVID-19 vừa được cấp phép khẩn cấp kể trên.
Sau thông tin trên, giá cổ phiếu các công ty ngành dược phẩm/y tế đua nhau tăng giá mạnh. Đặc biệt, Mekophar đã có 2 phiên tăng kịch biên độ 15%. Qua 2 phiên tăng trần, MKP tăng giá gần 32%, từ 43.000 đồng/cổ phiếu lên 56.400 đồng/cổ phiếu.
FRT tăng 5,85% lên 108.500 đồng/cổ phiếu, đây là phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của FRT và thiết lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, việc phân phối thuốc trị covid theo chủ tịch Thế giới Di động không phải là độc quyền và thuốc sẽ "tràn ngập khắp các nhà thuốc" sau 1-2 tuần.
>> Ông Nguyễn Đức Tài: 1-2 tuần thuốc trị Covid-19 tràn ngập tất cả các nhà thuốc, chứ không phải chỉ có ở An Khang hay ở ‘đâu đó’
Lợi nhuận nhiều năm liền sụt giảm
Mekorphar tiền thân là xí nghiệp dược phẩm trung ương 24 – đơn vị thành viên của Tổng công ty dược Việt Nam. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm, dược liệu, hóa chất…
Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ 2001, niêm yết trên HoSE vào 2010 với mã chứng khoán MKP.
Đến năm 2012, MKP hủy niêm yết. Nguyên nhân là do đơn vị muốn mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ được phẩm nhưng đang có khoảng 4,7% vốn thuộc sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Mà quy định tại thời điểm đó, doanh nghiệp có vốn nước ngoài không được quyền phân phối dược phẩm. Vì thế, MKP quyết định rời sàn để thực hiện tái cơ cấu cổ đông không có vốn đầu tư nước ngoài.
Đến năm 2017, MKP đã đăng ký giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.
Về kết quả kinh doanh, năm 2021, MKP đạt doanh thu thuần gần 1.130 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2020, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ gần 16 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2020. Công ty giải thích nguyên nhân chủ yếu do tiền lương và giá cả các chi phí đều tăng cao trong tình hình dịch bệnh. Sản lượng sản xuất của nhà máy mới tại Khu công nghệ cao chưa tăng nên cũng ảnh hưởng lợi nhuận.