Chốt phiên 12/10, giá cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam sau hai phiên tăng kịch trần trước đó đã tiếp tục tăng tới 3,9%, qua đó ghi nhận đỉnh lịch sử kể từ khi lên sàn chứng khoán tại mức giá đóng cửa 186.000 đồng/cổ phiếu.
So với cuối tháng 9, thị giá VEF đã tăng hơn 40% và tăng 112% so với đầu năm 2021. Đợt sóng giá của cổ phiếu nằm trong danh sách thị giá "đắt đỏ" nhất của chứng khoán Việt diễn ra khi mà thông tin xung quanh doanh nghiệp không có nhiều biến động lớn.
Diễn biến cổ phiếu VEF 3 năm gần đây
Lãi quý 2/2021 đạt kỷ lục, cao gần 5 lần cùng kỳ nhờ tiền lãi gửi ngân hàng
VEF được biết đến là chủ sở hữu Triển lãm Giảng Võ. Xét trên khía cạnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động vô cùng nặng nề. Không hề ngạc nhiên khi doanh thu hoạt động kinh doanh ghi nhận trong quý 2 vừa qua chỉ tính hàng trăm triệu, cụ thể là chỉ gần 249 triệu đồng. BCTC còn thể hiện đây không phải doanh thu từ dịch vụ tổ chức triển lãm, hội chợ, mà từ doanh thu hoạt động khác trong kinh doanh của VEF.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là lợi nhuận quý 2 của VEF lại ghi nhận mức đỉnh trong lịch sử hoạt động với 75 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm 2020. Theo đó, khoản thu nhập chính của VEF đến từ doanh thu tài chính – chủ yếu là thu lãi tiền gửi, cho vay, đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, tương ứng tăng 73 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trên thực tế, kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, lợi nhuận của VEF bắt đầu có bước tăng trưởng vượt bậc lên mức hàng chục tỷ mỗi quý trong khi trước đó gần như "dậm chân" dưới mức 10 tỷ đồng. Điều này đến từ việc thu lãi tiền gửi của công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, VEF đạt 129 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận 171 tỷ đồng.
Lãi quý 2/2021 đạt kỷ lục với 75 tỷ đồng
Tại thời điểm 30/6/2021, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đạt 2.200 tỷ đồng, giảm 2.762 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, phát sinh mới khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn là hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6% có giá trị 1.500 tỷ đồng và chứng khoán kinh doanh là trái phiếu lãi suất 7,5% với gần 923 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phải thu về cho vay ngắn hạn và dài hạn cũng phát sinh mới 1.240 tỷ đồng và 410 tỷ đồng - theo thuyết minh thì đây đều là phần cho vay đối tác doanh nghiệp với lãi suất 9%/năm.
Cơ cấu cổ đông của VEF, Tập đoàn Vingroup (VIC) hiện là công ty mẹ đang nắm giữ tới 83,3% lượng cổ phần của công ty.
Kế hoạch chào bán 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chỉ 10.000 đồng
Diễn biến gần đây nhất là việc HĐQT VEF đã thông qua điều chỉnh phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, ngay trong đầu năm 2021, VEF thông qua phương án tăng vốn từ 1.666 tỷ đồng lên 9.1964 tỷ đồng bằng việc phát hành 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán rất ưu đãi, chỉ 10.000 đồng trong khi giá trên thị trường gấp tới hơn chục lần. Tỷ lệ phát hành 1:4,52, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền được mua 4,52 cổ phiếu mới.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, quá trình chào bán cổ phiếu vẫn chưa diễn ra, chỉ có phương án sử dụng được thay đổi khi 1.197 tỷ đồng trong đợt chào bán dự kiến được dùng cho dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long đã chuyển sang mục đích triển khai thực hiện cho 2 dự án gồm dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia và Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại Hà Nội.
Phương án sử dụng vốn từ hoạt động chào bán cổ phiếu sau điều chỉnh của VEF