Tại đợt chào báo cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) được tổ chức vào tháng 2 vừa qua, VRG chỉ bán được 21,2% và EVNGENCO 3 bán được 2,8% số lượng cổ phần chào bán. Kết thúc đợt IPO, VRG phân phối 99.140.960 cổ phần, còn EVNGENCO 3 bán 7.149.644 cổ phần.
IPO của VRG có 462 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng 100.762.400 cổ phần, bằng 21,2% khối lượng chào bán nhưng các nhà đầu tư đã từ chối mua 1.621.440 đơn vị |
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của 2 cổ phiếu này tương đương với giá khởi điểm của đợt IPO vừa qua, lần lượt 13.000 đồng/cổ phần và 24.800 đồng/cổ phần.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại UPCoM, cổ phiếu của VRG giảm 16,15% so với giá tham chiếu và chỉ còn 10.900 đồng. Còn cổ phiếu của EVNGENCO 3 giảm 11,29% còn 22.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh của 2 mã này tương đối thấp, lần lượt 515.800 đơn vị và 31.000 đơn vị.
Như vậy, ngày trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu của doanh nghiệp này khiến nhà đầu tư lỗ lớn, trái ngược hoàn toàn với các đợt IPO và lên sàn của Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty TNHH MTV (PV Oil), Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của VRG đạt 40.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước (đại diện là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sở hữu 75%, CBCNV sở hữu 1,24%, IPO 11,88%, và nhà đầu tư chiến lược sở hữu 11,88%.
Tương tự, vốn điều lệ của EVNGENCO 3 đạt 20.809 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 51%, CBCNV sở hữu 0,1645%, IPO 12,8355% và nhà đầu tư chiến lược sở hữu 36%.
Ngày 21/3, chỉ số VN-Index đã nhiều lần chinh phục đỉnh 1.170 của 11 năm trước để rồi kết thúc phiên giao dịch chỉ số này đạt 1.169,36 điểm, tăng 9,97 điểm tương đương 0,86% so với ngày hôm trước. Ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt 1.170 điểm rồi sau đó rớt không phanh. Ngày hôm nay, thị trường có 2 lần chinh phục đỉnh của 11 năm trước nhưng cuối cùng thị trường đóng cửa, chỉ số VN-Index chỉ đạt 1.169,36 điểm, cách đỉnh chỉ 0,54 điểm. |
Như Nguyễn