So với những con số thực hiện năm 2017, mục tiêu lần này của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tương đối dè dặt khi chỉ nhích nhẹ.
Cụ thể, HPG kỳ vọng doanh thu năm 2018 đạt 55.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 8.050 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù đặt kế hoạch doanh thu tăng hơn 19% so với thực hiện trong năm 2017 là 46.162 tỷ đồng, song lợi nhuận theo kỳ vọng của Tập đoàn gần như đi ngang (2017 HPG ghi nhận 8.007 tỷ lãi ròng).
Nhớ lại trong năm 2017, cũng đặt chỉ tiêu khá khiêm tốn, song thực tế HPG ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước và vượt 33% kế hoạch. Đây cũng là mức lãi cao nhất kể từ khi thành lập của đơn vị này.
Trở lại năm 2018, mới đây Tập đoàn vừa công bố sản lượng trong tháng 2 với kết quả tương đối khả quan. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu thép của HPG đạt 30.800 tấn; tính riêng 3 ngày khai xuân sau kỳ nghỉ tết (21-23/02/2018), thép xây dựng Hòa Phát đã tiêu thụ tới gần 50.000 tấn, bao gồm 15.000 tấn thép xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Trong năm 2018, thép xây dựng Hòa Phát đặt mục tiêu sản lượng 2,3 triệu tấn, với mức xuất khẩu dự kiến đạt 250.000 tấn đi các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malayxia… Để hoàn thành mục tiêu trên, Tập đoàn cho biết sẽ tối ưu hóa sản xuất các nhà máy hiện tại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Dự kiến trong quý 3/2018, Tập đoàn sẽ hoàn thành dây chuyền cán thép đầu tiên tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi).
Cổ phiếu đang lên đỉnh bỗng mất đà
Trên thị trường, cổ phiếu HPG cũng liên tục lập đỉnh. Tính cả năm 2017, cổ phiếu ông vua ngành thép này đạt mức tăng gần hai lần, từ mức 27.586 đồng/cp (03/01/2017) lên mức 46.850 đồng/cp (29/12/2017), bất chấp thị trường từng có biến cố trước thông tin Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc hôm 05/12/2017.
Không dừng lại, chỉ 3 tháng đầu năm 2018 cổ phiếu HPG tiếp tục bứt phá, đạt mức tăng hơn 29% thị giá. Cũng chính sự tăng trưởng này đã đưa ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn trở thành tỷ phú USD thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, đang trên đỉnh cao, hai phiên gần đây trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngày 01/03 sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép (25%) và nhôm nhập khẩu (10%) trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ, giá cổ phiếu HPG bỗng điều chỉnh. Đặc biệt, phiên 05/03, HPG bất ngờ "lau sàn" với khối lượng giao dịch khủng gần 19 triệu đơn vị với áp lực bán mạnh, riêng nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng 314.566 cổ phiếu.
Giao dịch cổ phiếu HPG phiên 05/03/2018.
Với một cổ phiếu trước giờ chỉ có tăng như HPG, phiên hôm 05/03 thực sự khiến nhiều nhà đầu tư thắc mắc, mặc dù trước đó nhiều nhận định được đưa ra rằng việc áp thuế từ Mỹ sẽ không tác động nhiều đến Tập đoàn.
Giao dịch cổ phiếu HPG một năm qua
Và ngay sau phiên giảm sàn trên, HPG liền đăng tải kế hoạch lãi ròng hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2018 lên Website Tập đoàn. Đồng thời, được biết HĐQT Tập đoàn cũng thông qua việc bán toàn bộ 206.327 cổ phiếu quỹ đang nắm giữ theo phương thức khớp lệch hoặc thỏa thuận, giá thấp nhất là 20.000 đồng/cp và cao nhất là 70.000 đồng/cp.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, Tập đoàn cũng dự kiến chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 40% bằng cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2-3/2018. Cổ phiếu phát hành từ chia cổ tức năm 2017 sẽ được niêm yết ngay sau khi thực hiện.
2018 có thể giảm sức cạnh tranh về mảng tôn so với Hoa Sen Group
Theo một báo cáo phân tích mới đây của CTCK Phú Hưng (PHS), bên cạnh những quan điểm khả quan rằng sản lượng thép xây dựng HPG năm 2018 sẽ tăng trưởng ở mức 22.7%, nhờ thị trường chung duy trì mức tăng trưởng 12% trong khi thị phần HPG tiếp tục gia tăng lên mức 26.29%; đơn vị này cũng chỉ ra nhiều điểm khó khăn đáng chú ý.
Thứ nhất, giá thép xây dựng Tập đoàn dự kiến tăng 5%, cùng với đó ống thép sẽ có mức tăng chậm lại với giả định thị phần của HPG sẽ duy trì ở mức hiện tại, đồng thời giá bán tăng nhẹ 2% so với năm 2017. Hơn nữa, dự án thép Dung Quất trong trong ngắn hạn dự kiến chưa có đóng góp cho kết quả kinh doanh của HPG. Tuy vậy, PHS cho rằng năm 2018 sẽ là năm bản lề của HPG trong công tác chuẩn bị để đón nhận những sản phẩm thép đầu tiên từ dự án Dung Quất giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành trong năm 2019).
Khó khăn thứ hai, về mảng tôn, Nhà máy tôn mạ với công suất 400.000 tấn/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 3 năm nay có thể sẽ gặp một số bất lợi về mặt chi phí cũng như vận chuyển do đặc thù về mặt địa lý, qua đó có thể sẽ làm giảm mức cạnh tranh so với tôn HSG.
Theo đó, PHS dự báo biên lợi nhuận của HPG có thể giảm nhẹ và đạt mức 22%, do giá than và quặng sắt có tín hiệu quay đầu tăng nhẹ trong giai đoạn đầu năm 2018. Dù vậy, đơn vị này vẫn kỳ vọng lãi ròng HPG năm 2018 có thể đạt 9.089 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2017), EPS ước đạt 6.045 đồng.