Năm 2018 khép lại với sự biến động rất mạnh của nhóm cổ phiếu dầu khí. Thống kê khoảng 12 cổ phiếu dầu khí đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam có đến 11 cổ phiếu ghi nhận tăng trưởng âm trong năm 2018. Duy nhất cổ phiếu PEQ của Công ty cổ phần Thiết bị Xăng dầu Petrolimex (UPCoM) đi ngược lại xu thế chung của ngành tăng 54%. Tuy nhiên, cổ phiếu này thường xuyên ở trong tình trạng không có giao dịch nên diễn biến giá cổ phiếu không hẳn chịu ảnh hưởng từ tình hình chung của ngành.
Trong khi đó, các 'ông lớn' của ngành như GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP, PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí hay PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam... đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, GAS giảm 7,24%, PVS giảm 16%, PVD giảm 37,5%, PLX giảm 25,8%...
Diễn biến giá cổ phiếu GAS trong năm 2018
Diễn biến giá cổ phiếu PVD trong năm 2018
Diễn biến giá cổ phiếu PVS trong năm 2018
Thực tế, đã có "sóng" cổ phiếu dầu khí trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 khi giá dầu tăng vọt từ 60 USD/thùng lên 80 USD/thùng. Tuy nhiên đóng cửa năm 2018, giá dầu thô kỳ hạn giao sau tại Mỹ (WTI) giảm gần 25%, trong khi Brent giảm hơn 19,5%. Riêng trong quý cuối năm, giá dầu đã giảm hơn 1/3, mức giảm hàng quý mạnh nhất kể từ quý IV/2014.
Chờ đợi triển vọng 2019
Các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm khác nhau về diễn biến của giá dầu thế giới trước những biến động khó lượng của mặt hàng này. Thị trường đang có nhiều bất ổn lớn và việc dự đoán xu hướng cho giá dầu năm 2019 khó hơn bình thường, ông Neil Atkinson, Giám đốc nghiên cứu thị trường dầu tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết.
Ông Scott Darling, Giám đốc mảng dầu khí châu Á – Thái Bình Dương của JPMorgan đã chỉ ra một số yếu tố có thể khiến giá dầu duy trì ở mức thấp trong năm 2019 như nhu cầu giảm và sự bất ổn trong việc tuân thủ thỏa thuận của các thành viên OPEC, kể cả Arab Saudi.
Tóm lại, triển vọng của ngành dầu khí năm 2019 sẽ là khó đoán nếu chỉ dựa vào diễn biến của giá dầu thế giới. Nhưng có một điểm được cho là tích cực sẽ hỗ trợ cho nhóm ngành này vào năm 2019. Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), ngành dầu khí trong nước sẽ hưởng lợi từ các dự án lớn. Trong điều kiện các mỏ dầu khí hiện tại đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác, việc các dự án mới được triển khai là cần thiết và đảm bảo đầu vào cho các ngành công nghiệp điện khí, sản xuất đạm tại Việt Nam. Và ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn công việc đều đặn trong nhiều năm đến từ các dự án lớn như Lô B, Nam Côn Sơn 2 GĐ2, Sư Tử Trăng GĐ2. Trong các khâu sản xuất, VDSC cho rằng các doanh nghiệp ở khâu thượng nguồn sẽ là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất.
Bên cạnh đó, PVN ổn định bộ máy hoạt động cũng sẽ giúp nhóm ngành này có triển vọng tích cực hơn. Trải qua nhiều “biến động” trong bộ máy lãnh đạo, PVN đang dần trở lại ổn định để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các dự án và thực hiện kế hoạch thoái vốn.
Ngoài ra, kế hoạch thoái vốn của PVN có thể là động lực cho một số cổ phiếu. Từ 2019, PVN tiếp tục kế hoạch thoái vốn khỏi một số công ty lớn trong ngành. Đây có thể là điểm hỗ trợ cho giá cổ phiếu của ngành dầu khí trong thời gian tới.
VDSC kỳ vọng giá dầu Brent sẽ được giữ ở mức 60USD/thùng và đây là tiền đề để các dự án trong nước có thể triển khai.