Trong báo cáo được công bố, CTCK VNDIRECT cho rằng giá dầu đã thoát khỏi thị trường "con gấu" kể từ đợt sụt giảm mạnh vào Q4/2014 do nguồn cung dư thừa từ cuộc cách mạng dầu đá phiến. Thị trường dầu thô đã bắt đầu phục hồi từ năm 2016 nhờ nguồn cung được cắt giảm và nhu cầu tăng mạnh hơn từ khu vực Châu Á TBD. Theo đó, giá dầu Brent trung bình đạt 54,1 USD/thùng trong năm 2017 (+24,0% so với cùng kỳ) và 71,2 USD/thùng trong năm 2018 (+31,5% so với cùng kỳ).
Mặc dù đợt điều chỉnh trong Q4/2018 làm dấy lên lo ngại về việc giá dầu quay trở lại xu hướng giảm, nhưng điều này chủ yếu đến từ tâm lý tiêu cực chung của thị trường chứng khoán và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại chứ không xuất phát từ những yếu tố cơ bản của thị trường dầu thô.
Giá dầu Brent giảm mạnh trong giai đoạn cuối năm 2018 đến từ yếu tố tâm lý
Về cơ bản, thị trường dầu thô toàn cầu vẫn sẽ duy trì ổn định trong năm 2019. Những lo ngại về gia tăng nguồn cung và tồn kho dầu thô sẽ giảm xuống sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu thô (OPEC) chính thức có hiệu lực. Nếu nền kinh tế thế giới không sụt giảm quá nghiêm trọng thì nhu cầu dầu trên thế giới vẫn sẽ tăng trưởng với tốc độ như những năm gần đây với động lực chính là các nền kinh tế mới nổi có nội lực tốt, ngoài Trung Quốc. VNDIRECT dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức trên 60 USD/thùng trong giai đoạn 2019-22.
Việt Nam thiếu hụt nguồn cung trong trung hạn?
Sản lượng khai thác dầu khí Việt Nam đang suy giảm khoảng 8% mỗi năm trong thời gian gần đây. Sự suy giảm mạnh về sản lượng chủ yếu do PVN giảm đầu tư vào hoạt động thăm dò kể từ năm 2015 trong bối cảnh giá dầu thô giảm. Việc hạn chế thăm dò đã dẫn đến việc không có thêm nhiều mỏ dầu mới và gia tăng trữ lượng dầu khí hàng năm chỉ còn 4 triệu tấn dầu trong năm 2017, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, phần lớn các mỏ dầu hiện tại ở Việt Nam đang trong giai đoạn cuối, với sản lượng sụt giảm 15%-30% mỗi năm. Nếu không có mỏ dầu mới, nguồn cung dầu thô nội địa sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu từ nhà máy lọc dầu Bình Sơn kể từ năm 2020. Lưu ý rằng BSR hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu dầu thô trong nước.
Sự cạn kiệt về sản lượng khí tự nhiên còn đáng lo ngại hơn vì nhu cầu khí tự nhiên ước tính tăng 50% vào năm 2025 khi ba nhà máy điện chạy bằng khí mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Hoạt động thăm dò dầu khí đang được đẩy mạnh
Theo VNDIRECT, việc giá dầu thô phục hồi mạnh cho đến trước đợt điều chỉnh gần đây đã giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí sau nhiều năm trì trệ. Chi phí khai thác dầu thô bình quân tại Việt Nam là 45 USD/thùng, thấp hơn ước tính giá dầu Brent ở mức 65-70 USD/thùng trong năm 2019. Với các vấn đề về an ninh năng lượng đã đề cập ở trên, hoạt động thăm dò dầu khí tại Việt Nam có thể sẽ được đẩy mạnh trong trung hạn.
Theo kế hoạch kinh doanh của PVN đến năm 2020, gia tăng trữ lượng dầu khí hàng năm dự kiến đạt 20-40 triệu tấn dầu. Mục tiêu này cao gấp 2-4 lần so với mức gia tăng trữ lượng ước tính trong năm 2018 ở là 10 triệu tấn dầu. Đây cũng là một mục tiêu tương đối tham vọng do chi phí thăm dò dầu khí tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao.
Với áp lực gia tăng thăm dò tìm kiếm và chi phí thăm dò dầu khí ngày càng cao hơn, VNDIRECT dự báo mức đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam sẽ tăng thêm trung bình 50% mỗi năm cho đến năm 2020 để bổ sung trữ lượng hiện tại, thúc đẩy sản lượng khai thác.
Trong trung hạn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang lên kế hoạch cho các dự án dầu khí lớn như Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh và Lô B – Ô Môn. Các dự án này đều có tiềm năng về sản lượng dầu khí ở mức lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay.
Trong khi đó, dự án Sao Vàng-Đại Nguyệt và các mỏ dầu khác đang được phát triển song song với giai đoạn 2 của dự án Sư Tử Trắng để đảm bảo đủ nguồn cung khí thô cho khu vực miền Nam khi hai nhà máy điện khí mới là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đi vào hoạt động vào năm 2021.
Đầu tư cổ phiếu dầu khí nào?
Thông thường, biến động giá dầu thô ảnh hưởng lớn nhất đến các doanh nghiệp dầu khí trung và thượng nguồn. VNDIRECT đánh giá lợi nhuận của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) có xu hướng tương tự với biến động giá dầu thô so với cùng kỳ.
TCTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS,) và TCTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) đã ghi nhận những suy giảm đáng kể về EPS từ khi giá dầu thô sụt giảm vào cuối năm 2014. Dù PVS vẫn giữ được lợi nhuận ở mức tương đối, PVD đã ghi nhận lỗ hoạt động từ cuối năm 2017 do hiệu suất và giá cho thuê dàn khoan giảm mạnh (do giá dầu giảm). Khác với GAS, kết quả tài chính của PVS và PVD hiện chưa cải thiện rõ rệt theo đà hồi phục của giá dầu từ cuối năm 2017. Thông thường phải mất 1-2 năm để các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí bắt đầu hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá dầu thô do có độ trễ lớn giữa giá dầu và sự phục hồi của hoạt động thăm dò tìm kiếm dầu khí.
Trong khi đó, VNDIRECT cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn như TCT Vận tải Dầu khí (PVT), Lọc dầu Bình Sơn (BSR), và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) có mối tương quan khá thấp với biến động giá dầu thô.