Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng nay 24/3, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 10,08 điểm xuống mức 656,51 điểm (giảm 1,51%). Tình trạng bán tháo liên tục xảy ra đã khiến vốn hóa thị trường của riêng sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) “bốc hơi” 1/3 giá trị chỉ sau hai tháng.
So với thời điểm trước Tết âm lịch, sàn HoSE đã mất hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương 44 tỷ USD.
Nhà đầu tư "khóc ròng" vì thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm mạnh (Ảnh: IT)
Đại gia nội, ngoại cùng mất tiền
Trong nhóm các đại gia ngoại “bốc hơi” tài sản nhiều nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 2 tháng trở lại đây, dẫn đầu là tỷ phú Thái Lan Charoen Cirivadhanabhakdi.
Tài sản của tỷ phú Thái Lan Charoen Cirivadhanabhakdi tại Sabeco chỉ còn chưa đến 2 tỷ USD (Ảnh:IT)
Tại phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu SAB (Sabeco, HoSE: SAB) quay đầu tăng nhẹ lên mức giá 118.500 đồng/CP (tăng 1.300 đồng/CP, tương đương 1,1%). Dù vậy, nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu SAB đã sụt giảm gần 50% giá trị, khiến vốn hóa doanh nghiệp của “ông lớn” ngành bia bị “bốc hơi” khoảng 3 tỷ USD sau chưa đầy 3 tháng.
Hiện tại, với vùng giá 118.000 đồng/CP, giá trị vốn hóa hiện tại của Sabeco đạt hơn 3,2 tỷ USD. Với gần 54% cổ phần mà ThaiBev đang sở hữu tại Sabeco, tài sản của tỷ phú Thái Lan Charoen Cirivadhanabhakdi chỉ còn chưa đến 2 tỷ USD, “bốc hơi” hơn 3 tỷ USD so với mức giá mà ông này đầu tư vào Sabeco vào cuối năm 2017.
Trong khi đó, ở nhóm đại gia nội, khi chỉ số Vn-Index giảm mạnh từ vùng 900 điểm về thẳng vùng 656 điểm như hiện tại, kéo theo đó là tài sản của các tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đức Tài… cũng "bốc hơi" từ hàng nghìn tỷ đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thống kê mới nhất về tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên Forbes (Ảnh: Forbes)
Chẳng hạn, với tỷ phú Phạm Nhật Vượng (ông chủ Tập đoàn Vingroup) - thống kê mới nhất của Forbes tính đến ngày 24/3 – tài sản của ông Vượng chỉ còn 4,4 tỷ USD, giảm khoảng 684 triệu USD so với ngày hôm trước. Đặc biệt, nếu so với thời điểm cách nay gần 3 tuần (ngày 4/3), tài sản của ông Vượng đã giảm khoảng 2,2 tỷ USD.
Với tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (bà chủ VietJet Air) - thống kê mới nhất của Forbes tính đến ngày 24/3 – tài sản của bà Thảo chỉ còn đúng 2 tỷ USD.
Thống kê mới nhất về tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trên Forbes (Ảnh: Forbes)
Riêng ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank, thì đã chính thức rớt khỏi bảng xếp hạng tỉ phú USD của Forbes.
Với các tỷ phú Việt khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đà lao dốc của thị trường cũng khiến những cá nhân này mất từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ sau gần hai tháng. Chẳng hạn, cổ phiếu MWG (Thế giới Di động; HoSE: MWG) từ vùng giá 120.000 đồng/CP từ hồi cuối tháng 1 (ngày 21/1), đã giảm mạnh về mức giá 69.000 đồng/CP như thời điểm hiện tại, tương ứng với việc mất đến 51.000 đồng/CP, giảm 42,5%.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, đang sở hữu hơn 11,5 triệu cổ phiếu MWG (chiếm 2,56% vốn điều lệ) và đại diện Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Thế giới bán lẻ, sở hữu hơn 51,5 triệu cổ phiếu MWG (11,37% vốn điều lệ). Với đà giảm của cổ phiếu MWG trong vòng 2 tháng qua, tài sản của ông Tài đã mất khoảng hơn 3.217 tỷ đồng.
Hiện, ông Tài cũng rớt khỏi danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi tổng tài sản chỉ còn 4.530 tỷ đồng, xếp thứ 11 trong danh sách.
Cũng “lao đao” không kém là ông chủ của hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) Trịnh Văn Quyết. Tại phiên giao dịch hôm nay 24/3, cổ phiếu ROS (Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, HoSE: ROS) tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp và xuống mức 4.540 đồng/CP. Ông Quyết hiện là Chủ tịch HĐQT của Faros (ROS), đồng thời là cổ đông lớn nắm giữ hơn 67% vốn.
Có thể nói, ROS là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua, mất hơn 80% giá trị, từ vùng giá 23.500 đồng/CP về mức giá 4.540 đồng/CP thời điểm hiện tại. Đà giảm mạnh của cổ phiếu ROS khiến tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết chỉ còn khoảng 2.065 tỷ đồng, giảm 4.036 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2020. Và tỷ phú này cũng “lọt thỏm” trong danh sách các tỷ phú Việt trên sàn chứng khoán khi chỉ xếp vị trí thứ 28 trong danh sách.
Mới nhất, thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp này đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không về việc Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chậm thanh toán tiền dịch vụ và đang nợ ACV 205 tỷ đồng.
Cụ thể, Bamboo Airways chậm thanh toán trung bình khoảng 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng đã ký kết. Trong đó, tổng số nợ quá hạn là hơn 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV. Số tiền còn lại là 71,3 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways còn 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.
Quỹ ngoại cũng… “chỏng vó”
Không chỉ các tỷ phú nội ngoại cùng lao đao khi thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, nhiều quỹ đầu tư ngoại cũng “chỏng vó” trong vòng 2 tháng qua.
Chẳng hạn, cuối năm 2019, Sumitomo Life gây nhiều chú ý khi chi 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua hơn 41,4 triệu cổ phần BVH của Tập đoàn Bảo Việt, tương ứng mức giá 96.817 đồng/CP - cao hơn gần 30% so với thị giá lúc bấy giờ. Song, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu BVH đang giao dịch ở mức giá 34.550 đồng/CP, khiến giá trị khoản đầu tư của Sumitomo Life chỉ còn khoảng 85 triệu USD chỉ sau vài tháng (so với mức 173 triệu USD ban đầu).
Hoặc với Hyundai Elevator Co., Ltd, vào giữa năm 2019, đã chi khoản tiền khoảng 575 tỷ đồng để mua 25 triệu cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC); mức giá mua là 23.000 đồng/CP - cao hơn 31% thị giá HBC lúc bấy giờ, chính thức trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ nắm giữ 10,83% vốn. Tuy nhiên, trước áp lực giảm điểm chung từ dịch Covid-19, HBC hiện chỉ còn giao dịch tại vùng giá 7.000 đồng/CP, khiến khoản đầu tư của Hyundai Elevator Co., theo giá thị trường chỉ còn khoảng 175 tỷ đồng, chỉ còn 1/3 giá trị so với ban đầu.
Cũng “sấp mặt” hiện nay là Mitsui & Co. Hồi giữa năm 2019, Tập đoàn Minh Phú (MPC) đã bán 60 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư này. Giá chào bán thời điểm đó là 50.630,5 đồng/CP, tương đương giá trị thương vụ lên đến 3.038 tỷ đồng (131 triệu USD).
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, khoản đầu tư này chỉ còn đạt 1.116 tỷ đồng (tính theo thị giá 18.600 đồng/CP ở hiện tại). Mitsui & Co theo đó đang chịu lỗ hơn 1.900 tỷ đồng…
Hàng loạt quỹ ngoại, các nhà đầu tư chiến lược khác như SK Group, Government of Singapore (GIC)… cũng đang chịu lỗ mạnh do các mã cổ phiếu sụt giảm vì Covid-19.
Khối ngoại không ngừng bán ròng Phiên giao dịch ngày 23/3 đã xác lập phiên bán ròng liên tiếp thứ 30 của khối ngoại trên HoSE, với tổng giá trị bán ròng hơn 8.500 tỷ đồng. Có thể thấy, động thái rút vốn khỏi thị trường được khối ngoại đẩy nhanh và dứt khoát. Cụ thể, trong tháng 2, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên HoSE đạt tới 2.730 tỷ đồng, thì từ đầu tháng 3 đến nay, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, khối ngoại đã bán ròng mạnh khi giá trị bán ròng đạt 6.376 tỷ đồng… |