Trong phiên hôm nay (28/1/2022), EIB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với mức tăng 6,1%, đồng thời lập đỉnh 37.450 đồng/cp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 2,9 triệu cổ phiếu, gấp 7 lần so với phiên liền trước. Đây cũng là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của EIB.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất là giao dịch thoả thuận và của khối ngoại.
Cụ thể, có 20 triệu cổ phiếu EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thoả thuận ở giá sàn 32.850 đồng/cp, tương đương giá trị 657 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch mạnh EIB với 20.003.500 cổ phiếu được nhà đầu tư mua vào và bán ra 20.008.300 cổ phiếu.
Theo số liệu của VSD, này 27/1/2022, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 367 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 29,74% vốn cổ phần ngân hàng. Được biết trong đó, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu hơn 185 triệu cp, tương đương 15% vốn điều lệ và đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank.
Đáng nói, trong thời gian qua, thị trường dấy đồn đoán cho rằng SMBC muốn thoái vốn khỏi Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. VPBank cũng đang lấy ý kiến cổ đông về việc chốt room ngoại ở mức 17,5% để phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbak nhiều năm qua đã phần nào khiến SMBC mất kiên nhẫn với khoản đầu tư tại nhà băng này. Trong khi đó, mối quan hệ giữa SMBC và VPBank ngày càng sâu rộng và mở ra triển vọng tươi sáng.
Vừa qua, SMBC đã mua lại 49% vốn tại FE Credit – công ty con của VPBank. Hiện tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại VPBank đã xuống mức 17%. Theo đó, sau khi được cổ đông thông qua việc chốt room ngoại, ngân hàng có thể tiến hành luôn việc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn biến đáng chú ý khác, ngày 15/2/2022 tới, Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2. Nội dung cuộc họp ngoài các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, báo cáo hoạt động thì quan trọng nhất là sẽ tiến hành bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ VII (2020-2025).
HĐQT của Eximbank hiện có 9 người, trong đó ông Yasuhiro Saitoh là Chủ tịch HĐQT . Trên thực tế, HĐQT hiện tại đã hết nhiệm kỳ 1 năm nay và buộc phải bầu HĐQT nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên điều này chưa thể thực hiện do các cuộc họp ĐHĐCĐ những năm qua đều không thể tiến hành vì không có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông.
Trước cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 27/4/2021, HĐQT Eximbank nhận được 2 văn bản đề nghị "thanh lọc" HĐQT của 2 nhóm cổ đông lớn.
Cụ thể, nhóm cổ đông gồm: (1) Công ty CP Rồng Ngọc; (2) Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios (3) Công ty CP Thắng Phương (4) Thái Thị Mỹ Sang (5) Lưu Như Trân sở hữu 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.
Trong khi đó, nhóm cổ đông gồm (1) ông Nguyễn Tiến Dũng (2) ông Trần Công Cận, (3) Lafelle Limited (4) Education Management Holdings Limited sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đề nghị miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm: ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú.