Theo thông tin vừa công bố, sản lượng điện thực hiện tháng 4/2018 của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN Genco3, mã: PGV) là 3,19 tỷ kWh. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng điện sản xuất của Tổng Công ty là 11,85 tỷ kWh, trong đó, các đơn vị HTPH là 10,64 tỷ kWh, đạt 32,22% kế hoạch năm.
Lên kế hoạch cho tháng tiếp theo, EVN Genco3 dự kiến sản lượng điện sản xuất tháng 5/2018 là 3,26 tỷ kWh, trong đó các đơn vị HTPT đạt 2,9 tỷ kWh và các CTCP đạt 365 triệu kWh. Tổng Công ty cho biết sẽ tiếp tục tập trung ổn định sản xuất các nhà máy nhiệt điện: Phú Mỹ, Vĩnh Tân 2, Mông Dương 1, Bà Rịa, Ninh Bình; đồng thời khai thác cao theo kế hoạch điều tiết và lưu lượng nước về tại các nhà máy thủy điện thuộc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp.
Đáng chú ý, trong tháng 5 này, Tổng Công ty còn tập trung cho công tác tổ chức ĐHCĐ lần đầu, triển khai đồng bộ các công tác về quản trị; đăng ký hoạt động và công tác bàn giao sang CTCP.
Được biết, kế hoạch cho năm 2018, EVN Genco3 đặt chỉ tiêu sản lượng điện sản xuất là 33,01 tỷ kWh, doanh thu dự kiến giảm về 37.607 tỷ đồng. Theo báo cáo năm 2017, EVN Genco 3 đạt tổng doanh thu 38.377 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 469 tỷ đồng.
Như vậy, so với chỉ tiêu đề ra trong Bản cáo bạch là 38.033,1 tỷ đồng, Tổng Công ty đến nay đã hạ chỉ tiêu doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, công ty mẹ dự kiến đạt 38.075,5 tỷ doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.234 tỷ đồng.
Về đầu tư, Tổng Công ty kế hoạch tiếp tục đầu tư các dự án điện như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình và triển khai một số công trình khác kể từ năm 2018. Tổng mức đầu tư dự án điện ưu tiên giai đoạn 2018-2027 theo ghi nhận Bản cáo bạch là 28.612 tỷ đồng.
Về EVN Genco3, ngày 21/3 vừa qua, Tổng Công ty đã chính thức lên sàn UPCoM với mã cổ phiếu PGV. Giá khởi điểm được đưa ra là 24.600 đồng/cp, với 2,08 tỷ cổ phiếu hiện có, giá trị vốn hóa ngay khi lên sàn của Genco 3 đạt 51.168 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian sau đó cổ phiếu PGV liên tục giảm, chốt phiên giao dịch ngày 10/5 ở mức giá 14.400 đồng/cp, giảm đến 39% so với giá chào sàn. Giá trị vốn hóa của Genco 3 theo đó giảm xuống còn 29.952 tỷ đồng.
Không chỉ giao dịch èo uột, trước đó, ngày 9/2, phiên IPO Genco 3 đã diễn ra với kết quả khá "bi đát" khi chỉ vỏn vẹn 7,45 triệu cổ phiếu được bán thành công, tương đương 2,8% lượng chào bán, Nhà nước chỉ thu về 184,8 tỷ đồng. Lý giải về nguyên nhân IPO Genco 3 thành "bom xịt", giới phân tích cho rằng điều khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra e dè cổ phiếu điện này chính là nhiệt điện than. Hay theo Chứng khoán HSC cũng đưa ra 4 nguyên nhân, bao gồm:
(1) Thứ nhất là giá IPO đắt. Theo HSC, tại mức giá tham chiếu là 24.600 đồng, cổ phiếu Genco 3 được định giá với P/E dự phóng là 19 lần, cao hơn nhiều so với mức bình quân khu vực là 15 lần và cũng đắt hơn so với IPO của PV Power, với P/E dự phóng là 13 lần.
(2) Thứ hai, Genco 3 không được đánh giá cao như PV Power. Genco 3 có 7 nhà máy điện với công suất 6.180 MW. Trong khi đó PV Power cũng có 7 nhà máy với công suất là 4.208 MW. "Tuy nhiên theo đánh giá, các nhà máy điện của Genco 3 dường như hoạt động kém hiệu quả hơn nhà máy PV Power", HSC cho hay.
(3) Thứ ba, nhà đầu tư đã tích cực tham gia 3 đợt IPO của các công ty lớn trong lĩnh vực năng lượng và tiện ích diễn ra gần đây là BSR, PV Oil and PV Power. Nguồn lực tài chính theo đó đã trở nên khan hiếm.
(4) Cuối cùng, ngày tổ chức IPO Genco 3 sát với kỳ nghỉ Tết Âm lịch, là thời điểm nhà đầu tư trong nước thường không sẵn sàng tham gia các thương vụ lớn.
Sau Genco3, EVN cũng đã có báo cáo thông qua giá trị doanh nghiệp của Genco 2 gửi Bộ Công Thương, đồng thời cho biết sẽ phấn đấu công bố giá trị doanh nghiệp của Genco 1 trong tháng 6/2018.