Công ty Cổ phần Victory Capital (mã PTL) vừa công bố Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 trong đó đáng chú ý có phản hồi về tin vắn hủy niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE).
Trong Biên bản họp, HĐQT Victory Capital cho biết, các vấn đề liên quan đến các ý kiến kiểm toán ngoại trừ đã tồn tại trong thời gian rất dài trước đây. Trong nửa năm vừa qua do diễn biến của tình hình dịch Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty nên HĐQT chưa thể tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng này. Do đó, các ý kiến kiểm toán ngoại trừ này tiếp tục được ghi nhận tại báo cáo tài chính (BCTC) năm 2021.
Công ty cho biết, các cổ đông có liên hệ với HĐQT và đưa ra ý kiến đề xuất tạm thời chưa thông qua nội dung BCTC năm 2021 để có thể sửa đổi theo hướng loại bỏ các ý kiến kiểm toán ngoại trừ. HĐQT và Ban Điều hành đã ghi nhận ý kiến của các cổ đông. Tờ trình về BCTC kiểm toán năm 2021 sau đó cũng không được Đại hội thông qua.
Victory Capital nhấn mạnh, về mặt kế toán, công ty hiểu rằng việc loại bỏ các ý kiến kiểm toán ngoại trừ nêu trên dự kiến sẽ dẫn đến việc phải ghi nhận các khoản trích lập dự phòng và có thể làm giảm giá trị sổ sách của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu trên các BCTC của công ty.
Bên cạnh đó, Victory Capital cũng khẳng định đã và đang tiếp tục làm việc với HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để giải trình theo hướng công ty không thuộc trường hợp bị hủy niêm yết do quy định tại Điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP không áp dụng đối với trường hợp của công ty.
Công ty dẫn chứng a) theo luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật không thể có hiệu lực áp dụng với các hành vi/sự kiện đã xảy ra trước khi văn bản đó được áp dụng. b) theo quy định tại Khoản 12 Điều 310 của Nghị định 155, quy định tại Điểm Điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 1/1/2022 tức là sau thời điểm kết thúc các năm tài chính 2019, 2020, 2021.
Do đó, Victory Capital cho rằng không thể áp dụng Điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP đối với các BCTC kết thúc ngày 31/12/2021 – trước thời điểm áp dụng quy định điều luật này.
HĐQT Victory Capital cho biết hiện chưa thể trả lời cổ đông về trường hợp bị hủy niêm yết nhưng khẳng định sẽ làm việc với Ban Điều hành và đơn vị kiểm toán để xác định số liệu này, theo tinh thần giảm đến mức tối đa có thể giá trị bị sụt giảm của tài sản và vốn chủ sở hữu sau khi loạt bỏ các ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Đồng thời, HĐQT công ty còn cam kết sẽ thực hiện tất cả các công việc cần thiết trong phạm vi pháp luật cho phép và thường xuyên làm việc trao đổi với SGDCK, UBCKNN để tìm hướng giải quyết cho đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho các cổ đông.
Ngoài BCTC kiểm toán năm 2021, tất cả các tờ trình đều đã được Đại hội thông qua. Trong đó đáng chú ý có kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu doanh thu và thu nhập khác 664 tỷ đồng, gấp 5,8 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 86,2 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm trước.
Nguồn: PTL
Bên cạnh đó, cổ đông Victory Capital đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ. Số lượng dự kiến phát hành tối đa là 100 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần tương ứng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng lên 2.000 tỷ đồng.
Mục đích chào bán là huy động vốn mở rộng quỹ đất và/hoặc bổ sung vốn lưu động và/hoặc thực hiện dự án đầu tư phát triển bất động sản phù hợp với chiến lực của công ty và/hoặc góp vốn vào công ty con. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng theo tiêu chí của phương án phát hành và phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên thị trường, cổ phiếu PTL đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp sau thông tin thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc. Hiện cổ phiếu này vẫn đang dư bán hơn 1 triệu đơn vị tại mức giá sàn 8.960 đồng/cổ phiếu phiên 14/4. So với thời điểm đạt đỉnh vào cuối tháng 12 năm ngoái, PTL đã "bốc hơi" hơn 50% thị giá.
Cổ phiếu PTL giảm sàn liên tiếp