Phiên đầu tuần 14/2, thị trường ghi nhận những nhịp điều chỉnh sâu do áp lực bán mạnh tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. VN-Index có thời điểm đánh rơi tới 19 điểm để lùi về sát mốc 1.480 điểm, trước khi lực cung giảm giúp thị trường thu hẹp phần nào đà giảm điểm.
Giữa bối cảnh thị trường "đỏ lửa", cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai hôm nay cũng quay đầu "nằm sàn" ngay từ những phút đầu phiên. Áp lực bán mạnh khiến thị giá cổ phiếu không thể bứt phá trở lại, giữ nguyên biên độ giảm 6,9% về 11.550 đồng/cổ phiếu cùng tình trạng "trắng bên mua", dư bán tại giá sàn tính đến thời điểm 13h50' đã lên tới ngưỡng 16 triệu đơn vị.
Cùng họ, cổ phiếu HNG cũng không tránh khỏi việc bị bán mạnh, thị giá giảm sát ngưỡng 5% về mức 9.060 đồng/cổ phiếu.
Nhìn lại khoảng thời gian cuối năm 2021, thị trường chứng khoán chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của cổ phiếu HAG kjhi thị giá nhanh chóng leo nhanh vượt mệnh giá, sau gần 5 năm kê từ khi đánh mất hồi tháng 3/2017. Đây có thể xem là thành quả của Công ty sau nhiều năm cầm cự và nỗ lực vượt khỏi "khối u" nợ nần. Dù vậy, sang đầu năm 2022, cổ đông HAG "đang vui bỗng đứt dây đàn" trước nguy cơ cổ phiếu HAG bị huỷ niêm yết bắt buộc theo Nghị định 155 do Chính phủ ban hành, cụ thể HAGL thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tục. Cụ thể, do phải điều chỉnh hồi tố số liệu BCTC đã khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tháng 11/2021, đại diện HAGL cho rằng thực tế Công ty chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017-2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh. Theo đó, cổ đông HAGL thống nhất và có ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE. Có được sự đồng thuận của cổ đông, phía HAGL đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết HAG trên HoSE. Doanh nghiệp cũng xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.
Mặt khác, thông tin không mấy tích cực vào hồi cuối tháng 1 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với HAGL.
Cụ thể, HAGL bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo yêu cầu của UBCKNN. Nguyên nhân Công ty không công bố thông tin theo yêu cầu của UBCKNN về việc điều chỉnh hồi tố BCTC năm 2019. Doanh nghiệp cũng đồng thời bị phạt tiền 70 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Như vậy, số tiền phạt tổng cộng HAGL phải nộp là 155 triệu đồng.
Năm 2021 có lãi trở lại nhờ "buông bỏ" công ty nông nghiệp, tham vọng lãi nghìn tỷ năm 2022
Về tình hình kinh doanh, riêng trong quý 4/2021, với điểm sáng liên quan đến tiết giảm các loại chi phí, đặc biệt là cắt giảm đáng kể nợ nần, lợi nhuận ròng HAGL đạt hơn 142 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận ròng tương ứng vào mức 184 tỷ đồng - đánh dấu năm đầu HAGL có lãi kinh doanh trở lại sau thời gian tái cấu trúc quyết liệt và quyết định buông bỏ HAGL Agrico (HNG). Riêng trong đầu năm 2022, HAG đang liên tục bán ra cổ phiếu HNG với cùng mục đích là ngân hàng thu nợ, từ ngày 17/1-10/2/2022 hoàn tất bán ra 48,1 triệu cổ phiếu; ngay sau đó là tiếp tục đăng ký bán ra 25,4 triệu cổ phiếu HNG, dự kiến từ 15/02 đến 16/03/2022.
Dù kinh doanh có điểm sáng, song HAGL vẫn còn những tồn tại về cân đối tài chính, hiện lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2021 vẫn ở mức cao với 4.432 tỷ đồng.
Tuy nhiên sáng năm 2022, HAGL vẫn tham vọng lãi hơn 1.000 tỷ - tức chính thức quay lại thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đề mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.