Cổ phiếu thăng hoa trước thềm mở cửa
Ghi nhận, kết phiên 9/9, VJC tăng 3,53% trong khi HVN tăng kịch trần; trên sàn UPCoM, ACV cũng tăng tới 5,46%. Sang phiên 10/9, VJC tiếp tục tăng lên 129.800 đồng/cp, HVN tăng mạnh 4,4% lên 25.050 đồng/cp, ACV giữ sắc xanh với 83.500 đồng/cp. Song song, cổ phiếu VTR của Vietravel (chủ hãng bay mới Vietravel Airlines) cũng bắt đầu bật tăng lên 34.000 đồng/cp.
Trong đó, động lực chính đến từ thông tin Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ chở khách trong giai đoạn phòng chống dịch. Hiện, chỉ một số chuyến bay chở hàng hoá mới được phép thực hiện. Thời gian tới, Cục Hàng không lập kế hoạch mở rộng các đường bay chở hành khách trong phạm vi nội địa.
Ngày 9/9, Tp.HCM cũng thông báo từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo dự thảo điều kiện sử dụng "thẻ xanh Covid-19" của Sở Y tế, đối tượng được áp dụng là người đã được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến nghị của hãng vắc xin và đủ thời gian để tạo kháng thể.
Trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 15, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi dưới 65 tuổi, không bệnh nền được tham gia các hoạt động tại nơi công cộng, đi học, đi làm, thậm chí đi du lịch và công tác ở các tỉnh thành, nước ngoài. Hoặc trường hợp tiếp tục Chỉ thị 16, các đối tượng nói trên cũng sẽ được đi lại phục vụ công tác nội bộ.
Không dừng lại, ngày 10/9 ngành hàng không tiếp tục đón nhận thông tin dần mở cửa du lịch. Ghi nhận từ Tổng cục Du lịch, thời gian thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc là 6 tháng, kể từ đầu tháng 10 năm nay và được chia làm 2 giai đoạn.
Như vậy, việc cho phép các chuyến bay hoạt động, đặc biệt dần mở cửa du lịch nhanh chóng phản ánh sự lạc quan vào nhóm cổ phiếu hàng không, sau thời gian dài đóng băng và gánh nặng chi phí.
Phiên giao dịch 10/9/2021.
Câu hỏi đặt ra, liệu nhóm ngành sẽ tăng được bao lâu, khi các hãng tính đến nay gần như đang âm dòng tiền hoạt động kinh doanh dù đã rất nỗ lực cầm cự bằng việc bán tài sản, mở rộng ngành hàng…?
Dòng tiền kinh doanh sụt giảm mạnh, Vietnam Airlines thậm chí đã âm vốn chủ 2.750 tỷ đồng
Điểm qua về kinh doanh, chỉ vừa phục hồi sau đợt dịch thứ nhất và thứ hai (bùng phát đỉnh điểm vào tháng 4/2020), Covid-19 trở lại làn sóng thứ ba và thứ tư rơi vào đúng mùa bay cao điểm Tết cổ truyền và mùa du lịch hè 2021 đã khiến doanh thu các hãng hàng không giảm trên 90% so với cùng kỳ.
Chiều ngược lại, theo thống kê mới đây, các hãng hàng không hiện phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho các đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên...Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi tiết, đầu tiên phải kể đến Vietnam Airlines (HVN), tính đến 30/6, Công ty lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng và hiện đã âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng.
Năm 2021, Công ty dự kiến bán 11 tàu bay A321, mở rộng bán combo cách ly tự nguyện, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo, giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng…mục tiêu cắt giảm được 6.800 tỷ chi phí. Dù vậy, Công ty vẫn đặt kế hoạch khá bi quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.304 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 30,5% so với năm 2020.
Hay Vietjet Air (VJC), từng thu về hàng ngàn tỷ lợi nhuận ròng hàng năm, đặc biệt đạt mức tăng phi mã khi ngành bước vào giai đoạn tăng nóng (2017-2019) với lãi ròng vượt mức 5.000 tỷ đồng/năm, sang năm 2021 Công ty chỉ còn tham vọng không lỗ.
Nửa đầu năm, nhờ mở rộng đầu tư tài chính, bán tài sản…VJC có lãi gộp song Công ty cũng thua lỗ lớn tại ngành nghề kinh doanh chính của hãng là vận tải hàng không.
Tương tự, tân binh Bamboo Airways (hãng bay của FLC) tiếp tục thua lỗ, Vietravel Airlines mới đây đã có kiến nghị được vay ưu đãi nhằm bù đắp những thiếu hụt trong hoạt động vận tải khi chỉ vừa cất cánh từ đầu năm nay.
Hay ACV, hoạt động trong ngành phụ trợ hàng không, Công ty cũng sụt giảm mạnh nguồn thu. Nửa đầu năm, doanh thu truyền thống của ACV như phục vụ mặt đất cơ bản trọn gói, dịch vụ soi chiếu an ninh hành lý, hành khách… đều giảm mạnh. Dù vậy, với lượng tiền lớn, ACV được bù đắp phần lớn nhờ lãi tiền gửi với gần 1.000 tỷ đồng (Công ty đang có hơn 33.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tương đương 60% tổng tài sản tính đến ngày 30/6/2021).
Tựu chung, cơn khủng hoảng kéo dài có lúc khiến thị giá HVN, VJC, ACV giảm phân nửa thị giá và chạm đáy hồi tháng 4/2020. Và dù chỉ số kinh doanh chưa thể phục hồi, cổ phiếu ngành vẫn nhanh chóng phục hồi hơn 50% sau khi đại dịch được khống chế vào quý 3-4 năm ngoái.
Đã đến lúc tích luỹ?
Ghi nhận, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm mạnh từ mức 30.000 đồng/cp xuống chỉ còn 15.000 đồng/cp, hiện đã phục hồi về vùng 25.000 đồng/cp.
Mã VJC của Vietjet cũng trải qua sự sụt giảm đáng kể trong đợt dịch thứ nhất, từ vùng 145.000 đồng/cp rơi xuống đáy 92.000 đồng/cp, tuy nhiên đến nay đã tăng lại mức 130.000 đồng/cp.
ACV đến nay đang dao động ở vùng 84.000 đồng/cp, tăng gấp đôi so với đáy Covid được thiết lập vào tháng 3/2020.
Có thể thấy rằng, kỳ vọng cũng như tiềm năng trong tương lai là yếu tố quyết định chính đến giao dịch cổ phiếu ngành. Minh chứng sự phục hồi đã kể trên, mặt khác so với giá trị ban đầu hiện dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn. Là ngành siêu lợi nhuận, nhìn về tương lai khi toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khống chế được đại dịch, hàng không dự báo sẽ có mức nhảy vọt mạnh mẽ.
Báo cáo ngành của Chứng khoán Agriseco mới đây nhận định hàng không sẽ hồi phục mạnh trong giai đoạn 2022 – 2023. Agriseco cũng kỳ vọng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành sẽ quay trở lại như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 trong vòng 1-2 năm tới, và đây là lúc có thể tích luỹ nhóm ngành này.
Dự báo sản lượng hàng không đến năm 2025