"Thứ 6 đen" hay Black Friday được coi là ngày mở màn cho mùa mua sắm tấp nập nhất trong năm khi hàng hóa đồng loạt giảm giá cực mạnh, kéo theo nhu cầu mua sắm tăng cao.
Black Friday trong năm nay diễn ra vào thứ 6 (23/11) và các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá "sốc". Tuy vậy, hoạt động giảm giá mạnh này không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp kinh doanh mà còn diễn ra ngay trên sàn chứng khoán.
Cùng với nhịp điều chỉnh chung của thị trường, cổ phiếu Hoa Sen (HSG) đã giảm mạnh trong phiên Black Friday 23/11 với mức giảm 6,1% và đóng cửa tại 6.950 đồng. Thanh khoản HSG cũng tăng vọt với khối lượng khớp lệnh gần 9 triệu cổ phiếu, gấp gần 3 lần phiên trước đó cho thấy không ít nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong ngày "Black Friday".
Dù vậy, một điều đáng buồn là đà giảm của HSG không chỉ diễn ra trong một vài phiên gần đây mà đã kéo dài từ giữa năm 2017 tới nay. Với việc giảm giá kéo dài như vậy, có nhà đầu tư đã nói vui: "Với HSG, ngày nào cũng là Black Friday!".
Tại mức giá 6.950 đồng hiện nay, HSG đã mất tới 76% giá trị so với giai đoạn đỉnh điểm giữa năm 2017 (thị giá gần 30.000 đồng). Mức giá đóng cửa phiên 23/11 của HSG cũng là thấp nhất kể từ đầu năm 2013 tới nay.
Cổ phiếu HSG liên tục giảm trong hơn 1 năm qua
Điều gì khiến Hoa Sen gặp khó?
Từng là Bluechips trên sàn chứng khoán và là doanh nghiệp tôn hàng đầu Việt Nam nhưng trong những năm gần đây, Hoa Sen đã gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Khó khăn đầu tiên mà Hoa Sen gặp phải là tình hình cạnh tranh gay gắt trong nước và rào cản thương mại đối với thép. Việc tăng công suất nhanh trong giai đoạn 2016-2018 của những công ty hàng đầu như HSG (tăng 1,5 triệu tấn, tương đương 121% so với cuối năm 2015), NKG (tăng 800.000 tấn, tương đương 190% so với năm cuối năm 2015) và sự xuất hiện mới của HPG (400.000 tấn vào đầu năm 2018) đã khiến cạnh tranh trong thị trường tôn mạ trong nước trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh ngành này có tính nhạy cảm cao với các biến động và chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu.
Với lượng tồn kho hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng tài sản sẽ là áp lực không nhỏ cho Hoa Sen trong bối cảnh thị trường tôn thép đang cạnh tranh gay gắt.
Yếu tố khó khăn tiếp theo là chi phí nguyên liệu đầu vào thép cán nóng (HRC) tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới biên lợi nhuận doanh nghiệp. Trong niên độ tài chính quý 4/2018 (1/7-30/9), biên lãi gộp của Hoa Sen chỉ là 8,5%, mức thấp nhất trong lịch sử. Cùng kỳ năm trước, biên lãi gộp của công ty lên tới hơn 16%.
Ngoài ra, nợ vay cao cũng là yếu tố bào mòn lợi nhuận của Hoa Sen. Tính tới cuối niên độ tài chính 2018 (1/7/2017 – 30/9/2018), nợ vay của Hoa Sen lên tới hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% cơ cấu nguồn vốn doanh nghiệp. Riêng trong năm 2018, chi phí lãi vay của Hoa Sen lên tới 812 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm trước đó.
Với những khó khăn kể trên, Hoa Sen chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận 410 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 69% so với năm trước đó và là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Riêng trong quý 4, công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng và điều này đã khiến giới đầu tư "tháo chạy" khỏi HSG.