Tối ngày 06/03/2018, Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 và Việt Nam có 2 doanh nhân họ Trần được thêm vào. Đó là ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa Phát (HPG) và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT của ô tô Trường Hải (THA).
Trả lời câu hỏi của phóng viên khi đó, ông Long nói: "Tôi thấy rất bình thường". Tuy nhiên, vào buổi sáng hôm sau, ông mới biết sức ảnh hưởng của sự kiện này lớn như thế nào khi mà tại quán cà phê quen thuộc, mọi người cũng đến bắt tay chúc mừng.
"Bây giờ có lẽ tôi phải thay đổi câu trả lời. Tôi vui, rất vui. Một phần vì được thế giới công nhận, phần khác, quan trọng hơn là ảnh hưởng của thông tin này đến doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất lớn." – ông Long trả lời phỏng vấn lúc mới vừa là tỷ phú đô la.
Hồi tháng tháng 2- tháng 3/2018, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng mạnh mẽ. Từ ngưỡng giá dưới 30.000 đồng hồi đầu cuối năm 2017, đầu năm 2018 (tính theo giá đã điều chỉnh chia cổ tức), cổ phiếu HPG đã tăng mạnh mẽ lên mức 48.000 đồng tương ứng mức tăng 60% trong khoảng hơn 2 tháng.
Đối với một doanh nghiệp bài bản, lớn như Hòa Phát, mức tăng giá cổ phiếu đã mang lại rất nhiều thứ cho doanh nghiệp, cổ đông. Vốn hóa cổ phiếu HPG tăng mấy chục nghìn tỷ đồng đã mang lại thịnh vượng cho không ít nhà đầu tư giai đoạn đó. Trong số đó, tài sản của chủ tịch tập đoàn Hòa Phát là ông Trần Đình Long đã cán ngưỡng tỷ phú đô la.
Tỷ phú đô la lớn như thế nào có lẽ ít người tưởng tượng được nhưng nếu nói ở Việt Nam chỉ mới 3 người lọt được Forbes cho vào danh sách cho đến thời điểm ông Trần Đình Long lọt vào danh sách thì biết được phải "giàu có" cỡ nào mới là tỷ phú đô la.
Thế nhưng, niềm vui đến nhanh và cũng qua đi nhanh chóng. Sau chuỗi ngày thịnh vượng của ngành thép là chuỗi ngày đón nhận nhiều thông tin bất lợi. Thép là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại, cụ thể là chịu ảnh hưởng từ mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 của Mỹ, cho phép Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia mà không cần có sự chấp thuận của Quốc hội. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ mọi khu vực vào Mỹ, quyết định trên đã có hiệu lực từ tháng 5/2018. Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế suất này. Cùng với đó, thông tin thị trường bất động sản giảm tốc đã khiến kỳ vọng vào ngành thép của nhà đầu tư giảm sút.
Tuy rằng, kết quả kinh doanh của Hòa Phát trong cả 3 quý đầu năm vẫn thể hiện mức tăng trưởng đáng nể với gần 42.000 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước nhưng đầu tư, nhất là đầu tư cơ bản người ta nhìn vào tương lai nhiều hơn quá khứ. Bức tranh tối màu của ngành thép cùng với dư nợ đang ở ngưỡng cao của Hòa Phát đã khiến cổ phiếu rơi từ đỉnh 48.000 đồng hồi tháng 3/2018 còn 33.200 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang trong chuỗi ngày giảm sâu
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng vì thế mà rơi rớt từ ngưỡng "tỷ phú đô la" còn 17.735 tỷ đồng tính đến cuối tuần trước. Tỷ phú đô la đã không còn là "tỷ phú đô la" nữa.
Ghi nhận mới nhất của tạp chí Forbes tuần trước cũng cho thấy, ông Trần Đình Long đã không còn tên trong danh sách tỷ phú USD. Danh sách hiện chỉ có ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet và ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco Group.
Tài sản của cả gia đình ông Trần Đình Long cũng đang ngấp nghé ngưỡng tỷ đô và nếu như, cổ phiếu HPG tiếp tục rơi thì gia đình ông Long cũng bị giảm tài sản dưới ngưỡng tỷ đô.
Như vậy, tính đến cuối tuần trước, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn là người có khối tài sản đồ sộ nhất thị trường chứng khoán Việt với gần 190.000 tỷ đồng. Ông Trần Đình Long hiện đứng thứ 3 trong danh sách, sau tỷ phú Vượng và tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air.