Từng là doanh nghiệp giàu tiềm năng tăng trưởng và luôn trong tình trạng "kín room" khối ngoại, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) đã tuột dốc kể từ sau biến cố năm 2015 khi cựu chủ tịch Lê Văn Hướng bị khởi tố vì hành vi lừa dối khách hàng.
Từ một doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng, JVC đã báo lỗ hơn 1.300 tỷ đồng trong năm 2015 bởi việc trích lập dự phòng các khoản phải thu và tiếp tục lỗ gần 32 tỷ đồng trong năm tiếp theo khi mất đi không ít mối quan hệ với khách hàng. Tính tới hết tháng 6/2020, lỗ lũy kế của JVC vẫn còn rất lớn, lên tới hơn 1.000 tỷ đồng và bị Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo.
Với hoạt động kinh doanh kém tích cực, nhiều quỹ ngoại lớn như Dragon Capital, Vietnam Equity Holding…đã "tháo chạy" khỏi JVC. Cổ phiếu JVC từ đỉnh cao 25.000 đồng/cp vào năm 2015 đã lao dốc mạnh và có thời điểm chỉ còn quanh ngưỡng 2.000 đồng vào cuối tháng 3 vừa qua.
Cổ phiếu JVC dậy sóng với kỳ vọng DNP Corp thâu tóm?
Báo cáo KQKD quý 1/2020 (niên độ từ 1/4 tới 30/6) của JVC cho biết công ty vẫn gặp không ít khó khăn khi ghi nhận khoản lỗ 727 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 2,7 tỷ đồng. Theo giải trình của JVC, việc KQKD quý 1 thua lỗ do hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của công ty, đặc biệt là mảng kinh doanh vật tư tiêu hao mặt hàng phim chụp, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.
Công tác thu hồi nợ vẫn chưa có nhiều tiến triển khi JVC vẫn phải trích lập dự phòng gần 1.200 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, không thay đổi nhiều so với những năm gần đây.
Tuy vậy, biến động cổ phiếu JVC trên TTCK hoàn toàn khác biệt khi cổ phiếu liên tục bứt phá và thị giá tính tới cuối tháng 8 đã cán mốc 5.000 đồng. Đáng chú ý, trong 5 phiên giao dịch cuối tháng 8, cổ phiếu JVC có tới 4 phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh hàng triệu đơn vị mỗi phiên.
JVC liên tiếp tăng trần với kỳ vọng M&A?
Đà tăng của JVC thời gian gần đây có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về hoạt động M&A đang diễn ra với doanh nghiệp này. Mới đây, nhóm cổ đông ngoại lâu năm tại JVC là DI Asian Industrial Fund,L.P, Dream Incubator INC và Orix Corporation đã chuyển nhượng tổng cộng 31,5 triệu cổ phiếu JVC cho 3 cá nhân là bà Phan Thị Thu Thảo, ông Phùng Quang Việt, ông Nguyễn Văn Hiếu và đây đều là những cái tên có ít nhiều liên quan tới CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP).
Trong đó, ông Nguyễn Văn Hiếu và bà Phan Thị Thu Thảo là thành viên HĐQT, ông Hiếu còn đảm nhận vai trò Tổng giám đốc DNP. Trong khi đó, danh sách thành viên Ban kiểm soát DNP nhiệm kỳ 2012 – 2017 cũng có tên ông Phùng Quang Việt.
Các thành viên liên quan tới DNP Corp đã mua cổ phiếu JVC
Trong quá khứ, TTCK Việt Nam từng chứng kiến một vài thương vụ cổ phiếu "dậy sóng" bởi hoạt động mua bán cổ phần có liên quan tới DNP. Nổi bật trong đó là việc cổ phiếu Ninh Vân Bay (NVT) bứt phá mạnh trong năm 2019 với kỳ vọng thương vụ thâu tóm của DNP. Dù lãnh đạo DNP đã lên tiếng phủ nhận thâu tóm NVT và chỉ tập trung vào ngành nước, nhưng trên thực tế nhiều thành viên của DNP như ông Phạm Thành Thái Lĩnh, ông Nguyễn Hoàng Giang, bà Ngô Thị Trúc Mai, bà Đào Thị Hải Yến đều được bầu vào HĐQT cũng như BKS của NVT.
Trước đó trong năm 2018, cổ phiếu công ty Nước Sạch số 3 (NS3) trên sàn UPCom cũng "dậy sóng" với thương vụ thâu tóm của DNP.
Bên cạnh việc mua lại cổ phiếu JVC từ "nhóm DNP", bà Vũ Thị Thúy Hằng, Tổng giám đốc JVC mới đây cũng đăng ký mua vào 11,2 triệu cổ phiếu JVC càng làm thị trường thêm lý do để kỳ vọng vào "game" của cổ phiếu này.
Dù cổ phiếu JVC đang "dậy sóng", tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần thận trọng trước đà tăng nóng của cổ phiếu bởi điều quan trọng hơn cả để giúp tăng trưởng bền vững phải đến từ hoạt động kinh doanh lõi của doanh nghiệp và điều này chúng ta sẽ cần kiểm chứng trong một vài quý tiếp theo.