Theo một báo cáo của HSBC, trước đây cổ phiếu Việt Nam thường khó mua với khối ngoại do vấn đề kín room. Dù phải trả mức giá cao hơn thị trường, mức định giá của các công ty này vẫn thấp hơn so với các công ty cùng khu vực châu Á nhờ khả năng trưởng cao. Do đó, tỷ lệ premium ở Việt Nam theo HSBC có vẻ không quá cao.
Tuy nhiên, khi thị giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian gần đây và lập đỉnh lịch sử cùng với việc khối ngoại rút ròng liên tiếp khiến một số cổ phiếu kín room bớt đi “sức nóng”. Nhiều cổ phiếu được thỏa thuận trên sàn và thậm chí là hở "room". Giá cổ phiếu ACB đang đạt đỉnh gần 34.000 đồng/cp, cao gấp đôi trong năm gần nhất. Tương tự khi MWG lập đỉnh gần 140.000 đồng/cp hồi giữa tháng 2. Cổ phiếu FPT ghi nhận đỉnh lịch sử 81.000 đồng/cp ngày 16/3.
Ngày 10/3 qua, nhóm Dragon Capital đã thực hiện bán ra hơn 100 triệu cổ phiếu Ngân hàng Á Châu ( HoSE: ACB ). Giao dịch được thỏa thuận ngay trên sàn ở giá 32.000 đồng/cp. Trong khi phiên giao dịch này ACB đóng cửa ở mức giá 32.750 đồng/cp.
Trước đây ACB luôn kín room ngoại ở mức 30% và rất được khối ngoại săn đón, sẵn sàng trả thêm tỷ lệ premium lên đến 10% so với thị giá. Tuy nhiên trong các phiên giao dịch vừa qua, room ngoại tại ACB lại hở ra hàng triệu cổ phiếu.
Hai cổ phiếu được săn đón nhất là Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) và FPT Corp (HoSE: FPT ), từng được khối ngoại trả thêm đến 45% và 20%, thường được thỏa thuận riêng ngoài sàn thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).
Tuy nhiên gần đây, 2 cổ phiếu kín room này hầu như không còn xuất hiện các giao dịch tại VSD. Khối ngoại thực hiện các chuyển nhượng ngay trên sàn, với khối lượng hàng triệu cổ phiếu ở mức giá trần.
Hiện nay nhóm chỉ số VN30 chỉ còn 6 cổ phiếu đang kín room ngoại bao gồm MWG, FPT, Cơ điện lạnh (REE), TPBank (TPB), Techcombank (TCB), VPBank (VPB). Trong khi đó nhiều cổ phiếu đáng chú ý khác đã hở room lớn như Khang Điền (KDH), Nam Long (NLG), MBB, VietinBank (CTG), …
Còn 6 cổ phiếu kín room trong nhóm VN30. Nguồn: HSBC. |
Đà tăng giá và việc khối ngoại rút ròng đã làm giảm đáng kể sức nóng của cổ phiếu kín room. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố ra đời của nhiều quỹ ETF (như VNFIN Lead, VN Diamond, VN30…) cũng giúp giải một phần bài toán room ngoại. Bởi lẽ nếu mua với mức chênh, nhưng nhà đầu tư ngoại lại tính toán giá trị danh mục dựa trên thị giá thực tế, khiến ghi nhận khoản lỗ ngay lập tức.
Quỹ đến từ Phần Lan – PYN Elite Fund cho biết bán cổ phiếu MWG do vấn đề về room ngoại và thay vào đó sẽ thực hiện mua chứng chỉ quỹ ETF. Hay như CTBC Vietnam Equity khi đầu tư vào Việt Nam cũng lựa chọn phân bổ lớn vào quỹ ETF.
Các quỹ ETF tại Việt Nam đang được tăng mạnh quy mô, nhất là các quỹ liên quan đến cổ phiếu kín room và tài chính. Hiện nay VN Diamond là quỹ ETF nội lớn nhất Việt Nam tập trung vào cổ phiếu kín room có quy mô hơn 9.900 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng NAV/share 104% kể từ khi thành lập tháng 4/2020 đến nay.
Hay quỹ VFMVN30 có quy mô hơn 8.000 tỷ đồng, đạt mức tăng 75% trong vòng 1 năm. Quỹ VNFIN Lead tập trung vào cổ phiếu tài chính có quy mô gần 2.000 tỷ đồng, tăng gần 61% kể từ khi thành lập tháng 1/2020.