Đầu năm nay, cổ phiếu của GameStop, 1 nhà bán lẻ game ở Mỹ, trông rất tệ hại. Thập kỷ vừa qua, GameStop đã để mất thị phần vì nhiều người trẻ thế hệ millennials không còn đến các cửa hàng truyền thống để mua đĩa game mà thay vào đó chọn tải về hoặc chơi game trực tuyến. Sau đó thì Covid-19 ập đến và khiến các cửa hàng của chuỗi phải đóng cửa hoàn toàn.
"Ngửi thấy mùi máu", các quỹ đầu cơ đã bán khống cổ phiếu GameStop, đặt cược rằng họ sẽ kiếm được bộn tiền khi giá cổ phiếu lao dốc. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra. Từ đầu phiên 13/1 đến giữa buổi sáng phiên 28/1, cổ phiếu GameStop tăng 2.265%, vọt từ 20,42 USD lên 483 USD.
6 tháng sau, cổ phiếu GameStop vẫn giữ ở mức cao mặc dù chỉ quanh mốc 200 USD. Chỉ trong vài ngày, GameStop trở thành biểu tượng của một loại cổ phiếu mới: cổ phiếu meme, những cổ phiếu có mức giá cao hơn rất nhiều so với thực trạng hoạt động kinh doanh nhờ thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên mạng xã hội.
Có thể kể đến những ví dụ khác như chuỗi rạp phim AMC hay chuỗi siêu thị đồ gia dụng Bed, Bath and Beyond. Vậy thì điều gì làm nên 1 cổ phiếu meme? Và cú búng nổ của các cổ phiếu meme chỉ là 1 điều thú vị vô hại của thị trường tài chính hay đó là mối nguy hại đối với các nhà đầu tư cũng như sự ổn định của thị trường?
Cổ phiếu GameStop đã cất cánh sau 1 đợt bán non (short squeeze). Khi nhà đầu tư đặt cược chống lại 1 cổ phiếu, họ thường bán khống cổ phiếu đó (tức đặt lệnh bán nhưng là đi vay để bán, với hi vọng sau này sẽ mua lại ở mức giá rẻ hơn và ăn chênh lệch). Nếu như 1 cổ phiếu bị bán khống mạnh mẽ lại tăng mà không giảm như GameStop, nó sẽ tạo ra 1 vòng luẩn quẩn: các bên bán khống vội vã mua cổ phiếu để cover vị thế, từ đó khiến giá càng tăng hơn nữa và lại thôi thúc các nhà bán khống mua vào.
Cũng chính diễn biến khiến ai cũng phải choáng váng đã giúp cổ phiếu GameStop trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội, thu hút thêm các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các đợt tăng giá của nhiều cổ phiếu meme có liên quan chặt chẽ với khối lượng thảo luận về chúng trên r/WallStreetBets, 1 forum trên mạng xã hội Reddit.
Cộng đồng Reddit tự coi họ đã dạy cho các nhà bán khống trên phố Wall một bài học. Tuy nhiên, giới tài chính cho rằng "sự điên rồ" của các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ đơn thuần xuất phát từ nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ các cổ phiếu tăng giá chóng mặt. Các Redditor thường đưa ra những lý luận mơ hồ về tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai thay vì những số liệu tài chính rõ ràng để giải thích cho lựa chọn của họ.
Không phải tất cả các cổ phiếu được cộng đồng Reddit thổi giá đều bị bán khống mạnh. Một ví dụ là cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại BlackBerry. Những nhà đầu tư trẻ tuổi và non kinh nghiệm là nhóm đông nhất trong số những người bị thu hút bởi đà tăng giá điên cuồng. Sự nổi lên của những nền tảng giao dịch miễn phí như Robinhood và những cộng đồng mạng thảo luận sôi nổi về đầu tư như trên Reddit là những nguyên nhân dẫn đến xu hướng này.
Chắc hẳn những nhà lãnh đạo của quỹ đầu cơ White Square Capital sẽ chế giễu những ai nhận định làn sóng bùng nổ cổ phiếu meme chỉ là 1 trò đùa vô hại. White Square đã phải đóng cửa quỹ chính sau khi mức lỗ trong tháng 1 lên tới 2 con số vì đặt cược chống lại cổ phiếu GameStop.
Các nhà quản lý đang xem xét liệu có điều gì bất thường trong những biến động dữ dội do các Redditor gây nên hay không. Tháng trước Uỷ ban chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết đang điều tra hiện tượng các nhà môi giới kiếm lời từ việc điều hướng giao dịch nhỏ lẻ đến các nhà tạo lập thị trường. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể được giao dịch miễn phí, nhưng đó cũng là cách để họ dễ dàng bị cuốn vào cơn sốt cổ phiếu meme hơn.
Cơn sốt cổ phiếu meme cũng không có gì mới mẻ so với những bong bóng như bong bóng South Sea năm 1720 hay cú sụp đổ trên phố Wall năm 1929. Tỷ trọng các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong tổng khối lượng giao dịch đã tăng từ mức 25% lên khoảng 30% trong năm ngoái. Lịch sử cho thấy những lần tăng như vậy hiếm khi mang đến kết thúc tốt đẹp.
Tham khảo The Economist