Ngày 10/8, Gỗ Trường Thành (TTF) đã có văn bản gửi HoSE làm rõ những khúc mắc liên quan về số dư dự phòng phải thu khó đòi và hàng tồn kho tại ngày 30/6/2018.
Đã trích lập dự phòng khi nhận thấy khả năng thu hồi khoản phải thu không đảm bảo
Thứ nhất về khoản dự phòng phải thu khó đòi. Công ty cho biết, trong kỳ đã trích lập phải thu khó đòi số tiền 370 tỷ đồng cho các khoản phải thu khách hàng và phải thu về cho vay đã quá hạn thanh toán.
Ghi nhận trên thuyết minh số 6.1 và 7 về BCTC riêng năm 2017, một số cổ đông cá nhân đã cam kết bảo lãnh cho khoản phải thu này; tuy nhiên tại ngày 30/6/2017 các cổ đông và Công ty đã ký biên bản thanh lý thỏa thuận thu hồi công nợ. Theo đó, các cổ đông cá nhân không còn nghĩa vụ thu hồi và thanh toán.
Dựa trên sự kiện đã đề cập, ngày 30/6/2018; ban giám đốc TTF có đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu là không được đảm bảo, do đó đã trích lập dự phòng.
Đã trích lập dự phòng khi nhắm thấy hàng tồn chậm luân chuyển
Thứ hai về mục hàng tồn kho. Tại thời điểm cuối quý 2 năm nay, giá trị sản xuất kinh doanh của TTF và hàng hóa tồn kho lần lượt ở mức 698 tỷ đồng và 87 tỷ đồng, tăng 147 tỷ và 50 tỷ so với đầu năm. Cùng với đó giá trị dự phòng giảm giá tồn kho cũng tăng lên 26 tỷ đồng lên 108 tỷ.
Theo Công ty, hàng tồn kho tăng chủ yếu do hàng hóa, thành phẩm dở dang đang phục vụ cho thi công, lắp đặt cho các công trình chưa được nghiệm thu. Nhận thấy dòng hàng dở dang tồn đọng, chậm luân chuyển không còn phù hợp với các đơn hàng mới do đó đã thực hiện trích lập dự phòng. Song song, Công ty đang đẩy mạnh mảng sản xuất xuất khẩu tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Tiếp tục khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Vingroup trong năm 2018
Một thông tin đáng chú ý theo giải trình lần này, TTF cho biết theo kế hoạch kinh doanh trong năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục phát triển nhóm khách hàng công trình, đặc biệt là các hợp đồng đã ký kết với Vingroup (VIC).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, HĐQT có nhấn mạnh sẽ tiếp tục phát triển nhóm khách hàng công trình, đặc biệt các hợp đồng của Vingroup đã ký kết; đẩy mạnh xuất khẩu, tăng doanh thu tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Trọng tâm, đại diện ban giám đốc TTF cho biết đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống ERP chạy từ cuối năm 2018; kỳ vọng các khoản doanh thu từ Vingroup. Tuy nhiên, TTF không coi Vingroup là khách hàng độc nhất, hiện Công ty đang mới nguồn lực để tiếp cận với các khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến các đơn hàng xuất khẩu đầu tiên. "Không thể chia trung bình theo từng năm về việc thực hiện hợp đồng vì còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nhà máy. Năng lực của TTF đến đâu thì Vingroup giao đơn hàng đến đó. Thực tế, Vingroup đang chiếm 80% doanh thu của TTF vào năm 2017. Nếu tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp cùng ngành, TTF sẽ trở thành công ty toàn diện hơn, doanh thu tốt hơn, trở thành doanh nghiệp số 1 nội địa", phía Công ty bổ sung.
Chưa kể về lâu dài, TTF sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, hướng đến ước mơ doanh số 5.000 tỷ đồng vào năm 2021 với tỷ trọng 50% trong nước và 50% nước ngoài; điều này khiến TTF không lệ thuộc vào một đơn vị cố định nào.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, TTF đạt doanh thu 326 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ, đáng chú ý khoản lỗ nặng 568 tỷ đồng chủ yếu là do việc trích lập dự phòng nói trên. Theo đó, lỗ lũy kế tính đến cuối kỳ của TTF "bị độn" lên 1.927 tỷ đồng, tương đương 90% vốn điều lệ.
Trên thị trường, cổ phiếu TTF tiếp đà lao dốc mạnh, chốt phiên cuối tuần (10/8) tại mức sàn 2.510 đồng/cp, lượng giao dịch đột biến lên đến 3,5 triệu đơn vị.
Được biết, nhiều phiên gần đây thanh khoản của TTF sôi động hẳn, phiên sàn hôm 8/8 cũng có hơn 5 triệu cổ phiếu TTF được sang tay, trước đó liên tiếp 3 phiên (31/7-2/8) mỗi ngày có hơn 1 triệu đơn vị được giao dịch.
Biến động cp TTF 6 tháng qua.