Buổi toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức sáng 31/3 được hâm nóng khi các công ty chứng khoán tập trung đưa ra các dự báo chi tiết cho thị trường chứng khoán (TTCK) năm nay.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB, số lượng tài khoản mới chiếm đến 90% là tài khoản cá nhân, các tài khoản này có hành động khá giật cục và đầu cơ rất cao, dẫn tới nhiều phiên điều chỉnh có biên độ tăng giảm mạnh thời gian qua.
"Theo tôi, TTCK thời gian tới vẫn dao động tương đối lớn, vì nhà đầu tư cá nhân vẫn chi phối 80-90% thị trường. VN Index sẽ dao động từ 1.100-1.275 điểm", ông Trần Hoàng Sơn nhận định.
Theo ông Sơn, dịch COVID-19 đã đẩy dòng tiền vào chứng khoán. Tuy nhiên khi nền kinh tế hồi phục, luồng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang hoạt động kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục tăng so với năm ngoái từ 10-15%.
"Tôi cho rằng, có nhóm 5 nhóm ngành tích cực trong thời gian tới, trong đó nhóm ngành ngân hàng chiếm 35% tổng thanh khoản thị trường năm ngoái và năm nay, có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng cao từ 40-50%. Dư địa với một số cổ phiếu trong nhóm ngành này còn khá tốt, giá còn hấp dẫn, có thể nói luôn như ACB, OCB, MBB, CTG".
Hai là cổ phiếu chứng khoán đang hưởng lợi từ thanh khoản cao nhất lịch sử, lợi nhuận từ các công ty chứng khoán năm nay chắc chắn cao hơn năm ngoái.
Ba là nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, với lợi thế đầu tư công được đẩy mạnh trong ít nhất 5 năm tới. Bên cạnh đó, vừa qua Trung Quốc hạn chế các doanh nghiệp sản xuất thép ảnh hưởng môi trưởng, dẫn đến cung cấp gián đoạn và giá thép cuộn toàn cầu tăng cao. Do vậy, ngành thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi, chẳng hạn HPG, NKG, HSG sẽ là những cổ phiếu tích cực trong năm nay", ông Sơn dự báo.
Ngoài ra, đại diện MBS cũng cho rằng, nhóm dầu khí cũng được quan tâm trở lại khi kinh tế phục hồi, các dự án dầu khí lớn được tái khởi động như PVS, PSR, PVD.
Cùng chung quan điểm, ông Ngô Thế Hiển – Phó Phòng phân tích Chứng khoán SHS cũng cho rằng, với dự báo TTCK tiếp tục tăng trưởng năm 2021, ngân hàng là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm.
"Bên cạnh đó còn là bất động sản. Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực BĐS khu công nghiệp đã tăng trưởng khá tốt. Trong năm 2021, với làn sóng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài về Việt Nam, cổ phiếu BĐS khu công nghiệp vẫn có tiềm năng phát triển. Cùng với đó còn phải kể đến nhóm ngành tiêu dùng hay các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn nhà nước, lãnh đạo SHS dự báo.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường BVSC nhìn nhận các yếu tố vĩ mô có nhiều thuận lợi từ tiền rẻ đến Đại hội XIII thành công. TTCK nằm trong xu hướng phát triển chung của kinh tế.
"Trong ngắn hạn, dù thể gặp một số trở ngại, song nhìn chung TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển", ông Phạm Tiến Dũng nói.
Theo lãnh đạo BVSC, nhóm ngân hàng chắc chắn trụ vững và có sự dẫn dắt đến thị trường.
"Theo quan sát của chúng tôi, sau khi Hoa Kỳ có động thái bơm tiền, các thị trường bất động sản, hàng hóa,... sau đó sẽ hưởng lợi. Do đó, sau ngân hàng, các nhóm bất động sản, hàng hóa có thể chuyển biến tích cực", ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Ngoài ra cũng tại tọa đàm, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS đánh giá triển vọng của TTCK Việt Nam rất lớn khi chúng ta còn có nhiều sản phẩm mới trên thị trường.
Dự báo về VN-Index trong thời gian tới, ông Khánh nhận định, thị trường có thể điều chỉnh quanh vùng 1.170 - 1.180 điểm, và trong tháng 4/2021 có thể vượt qua mốc đỉnh lịch sử. "Tháng 4 vẫn là thời điểm thuận lợi cho giao dịch chứng khoán", ông Khánh nói.
Đại diện VPS cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô phục hồi, các quỹ sẽ có xu hướng đầu tư vào nhóm tài chính, xây dựng, vật liệu, cảng biển, dầu khí, và tốt nhất vẫn nên ưu tiên VN30. Chỉ số chứng khoán sẽ lên các điểm cao mới và nhóm cổ phiếu nhận được sự quan tâm sẽ là những nhóm cổ phiếu phòng thủ, nhóm cổ phiếu giá trị.