Chỉ còn 3 ngày nữa là thị trường chứng khoán sẽ nghỉ giao dịch. Ngay trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch đầy tích cực với 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Đặc biệt, phiên 17/1 ghi nhận mức tăng bùng nổ hơn 2% đi cùng với thanh khoản cải thiện, hầu hết các nhóm ngành đều ngập trong sắc xanh. VNINdex tăng 21,61 điểm trong hôm nay, đóng cửa ở 1.088,29 điểm. HNX tăng 4,27 tăng lên 215,15 điểm, UPCoM tăng 0,75 lên 72,97 điểm.
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, không một mã nào giảm giá trong hôm nay, chỉ có 4/27 mã kết phiên ở giá tham chiếu là SSB, EIB, KLB, PGB. Còn lại 23 mã đều ngập trong sắc xanh, trong đó 3 mã tăng mạnh nhất là MBB (4,9%), TPB (4,5%), STB (4,1%).
Trong đó, cổ phiếu TPB của TPBank gây chú ý với thanh khoản đột biến, ghi nhận có hơn 13 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, giá trị 300 tỷ đồng, gấp 4 lần mức bình quân của 5 phiên liền trước. Ngoài ra, theo phương thức thỏa thuận có hơn 3,6 triệu cp TPB được trao tay giữa các nhà đầu tư, giá trị 81 tỷ đồng. Theo đó, TPB là một trong 5 cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản cao nhất hôm nay.
Cổ phiếu TPB diễn biến tích cực trong bối cảnh TPBank mới công bố kết quả kinh doanh năm 2022 khá khả quan. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong động lực tăng trưởng, ghi nhận tăng tới 75% so với cùng kỳ, đạt khoảng 2.700 tỷ đồng. Các chỉ số sinh lời như ROE đạt 21,48%, ROA đạt 2%, thuộc top hiệu quả trong hệ thống.
Trong một báo cáo gần đây, Pyn Elite Fund đánh giá, TPBank là một ngân hàng nhỏ, tiên phong trong dịch vụ số, và đặc biệt được khách hàng trẻ tuổi ưa chuộng. Quỹ ngoại này kỳ vọng TPBank có thể tăng thu nhập lãi và hoa hồng một cách nhanh chóng trong thời gian tới.
Ngoài TPB, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng giá đi kèm với thanh khoản cải thiện mạnh, chẳng hạn như VPB và SHB. Cụ thể, cổ phiếu VPB tăng 1% phiên hôm nay, giá trị khớp lệnh đạt 640 tỷ đồng, tăng 90% so với mức bình quân 5 phiên trước, Cổ phiếu SHB tăng 3,7% lên 11.100 đồng/cp, đồng thời thanh khoản gấp khoảng 2 lần, đạt 337 tỷ đồng. Ngoài ra, theo phương thức thỏa thuận, 2 cổ phiếu này cũng có lượng lớn cổ phiếu được trao tay: VPB (222 tỷ đồng), SHB (115 tỷ đồng)
2 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường cũng diễn biến tích cực. BID sau khi tăng kịch trần phiên 16/1, tiếp tục tăng 0,6% trong phiên 17/1, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp. VCB cũng bật tăng 2,4%, là mã có đóng góp lớn nhất cho mức tăng của chỉ số VNIndex ngày 17/1.
Về động thái khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp đáng kể vào lực cầu của thị trường phiên hôm nay khi mua ròng gần 800 tỷ đồng. Với riêng nhóm ngân hàng, khối ngoại mua ròng đối với STB, CTG, BID, VCB, SHB.
Theo giới phân tích, định giá của nhóm ngân hàng đang ở mức hấp dẫn. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp trong 10 năm qua. Do đó, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn và tích luỹ cổ phiếu và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024.
Tương tự, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho biết, định giá ngành ngân hàng hiện tại vẫn ở mức hấp dẫn. Theo đó, định giá P/B của ngành ngân hàng đã có thời điểm về gần đáy Covid-19 rồi hồi phục tốt trong thời gian vừa qua. P/B ngành hiện giờ đang là 1,49 lần. Trong khi đó kết quả kinh doanh của toàn ngành cho đến quý 3 vẫn khả quan, ROE toàn ngành là khoảng 15,97% - trên đường trung bình 12 năm.
Trước những quan điểm khác nhau của thị trường về những khó khăn mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt, Chứng khoán MayBank (MBKE) thì không kỳ vọng một đợt sóng tăng lớn và ổn định đối với ngành trong năm 2023. Tuy nhiên nhóm phân tích tin rằng đây là cơ hội 10 năm có một để tích lũy các cổ phiếu ngân hàng chất lượng để đón đầu triển vọng nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam.