Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch 6/4 nhiều cảm xúc với những rung lắc khá mạnh. Có thời điểm VN-Index mất 10 điểm, tuy vậy diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhân tố chính gồng đỡ thị trường, giúp chỉ số này đóng cửa trong sắc xanh.
Kết phiên, có tổng cộng 18 mã ngân hàng tăng giá, 7 mã đứng giá tham chiếu và 2 mã giảm. Trong đó, VPB của VPBank dẫn đầu về mức tăng giá khi ''xanh'' hơn 4,3%.
Cổ phiếu VPB bật tăng mạnh trong những phiên gần đây sau khi lãnh đạo ngân hàng này cho biết lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng, gấp 2,75 lần cùng kỳ năm trước. Khoản lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và các khoản thu nhập bất thường.
Cổ phiếu PGB của PGBank cũng bước sang ngày tăng giá thứ hai liên tiếp khi ''xanh'' hơn 2,2% lên 31.900 đồng/cp đi cùng thanh khoản gấp đôi, gấp ba nhưng phiên trước.
Liên quan đến cổ phiếu này, tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức mới đây, lãnh đạo Petrolimex cho biết hiện tập đoàn đang đợi văn bản chỉ đạo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và làm các thủ tục tiếp theo để báo cáo Ngân hàng nhà nước nhằm thoái vốn PG Bank theo đúng trình tự. Trong năm 2022 có thể sẽ hoàn tất thoái vốn PG Bank.
MBB cũng bật tăng mạnh 2,14% lên 33.350 đồng/cp với thanh khoản ở mức cao. Trong ngày hôm qua, MB đã công bố tại liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2022 với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Năm 2022, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.
Ngoài các mã kể trên, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng giá trên 1% trong phiên hôm nay như VCB (+1,9%), TCB (1,7%), STB (+1,7%), VIB (+1,2%) và LPB (+1,2%).
Hai mã đóng cửa trong sắc đỏ là KLB (-1,37%) và NAB (-1,47%).
Xét về thanh khoản, VPB cũng là dẫn đầu toàn ngành với với khối lượng giao dịch đạt hơn 41 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Đứng sau lần lượt là SHB (17,4 triệu cổ phiếu), MBB (16,8 triệu cổ phiếu) và STB (12,2 triệu cổ phiếu).
Đáng chú ý, SHB ghi nhận gần 9,8 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thỏa thuận trong phiên đóng cửa ATC ở giá tham chiếu 21.300 đồng. Trong khi STB được khối ngoại mua ròng gần hơn 2,2 triệu cổ phiếu, mạnh nhất 10 phiên gần đây.
Trong báo cáo phân tích mới được phát hành, SSI Research cho rằng ngân hàng sẽ là ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng. Cụ thể, ngoại trừ hai ngân hàng VietinBank (chưa tính đến banca) và Vietcombank có thể có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021, nhìn chung các ngân hàng còn lại vẫn có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận tương đối tích cực.
Đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tin tưởng triển vọng lạc quan với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi mức tăng trưởng dự phóng lợi nhuận năm 2022 ở mức trên 30%. Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ của VPBank (15% cổ phần) với SMBC trong thời gian tới cũng là câu chuyện thú vị để tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Mặt khác, mặc dù chịu áp lực bán ra trong hai tháng qua nhưng VDSC đã thấy sự đảo chiều của dòng vốn ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tháng 3 khi họ mua ròng 692 tỷ đồng so với việc bán ròng 110 tỷ đồng trong tháng 2.
Khi mùa ĐHCĐ thường niên của ngành ngân hàng đang đến gần, VDSC kỳ vọng cổ phiếu của các ngân hàng với câu chuyện xúc tác tăng vốn sẽ có diễn biến tốt trong tháng 4.