Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần mới với phiên giao dịch rực lửa khi cả 3 chỉ số chính đều giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 43,18 điểm (-2,89%) xuống 1.452,84 điểm; HNX-Index giảm 21,52 điểm (-4,61%) xuống 445,34 điểm; UPCoM-Index giảm 2,86 điểm (-2,55%) xuống 109,36 điểm.
Là nhóm gồng gánh thị trường trong phiên sáng nhưng trước áp lực bán mạnh, các cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt quay đầu giảm sâu trong phiên chiều.
Đóng cửa ngày 17/1, thị trường ghi nhận 24/27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM chìm trong sắc đỏ. Trong đó, STB giảm sâu nhất ngành ngân hàng khi mất 6,86% giá trị xuống còn 32.600 đồng/cp.
Cổ phiếu Sacombank quay đầu giảm sâu sau khi bật tăng mạnh trong 2 tuần giao dịch đầu năm 2022 với tỷ suất sinh lời lên đến hơn 11%. Cùng với đó, thanh khoản của STB cũng liên tục duy trì ở mức cao khi đạt trung bình gần 37 triệu đơn/phiên.
Liên quan đến cổ phiếu này, tại Kỷ yếu kỷ niệm 30 năm thành lập, Sacombank dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với STB, BVB của Ngân hàng Bản Việt giảm 6,39%. Trong tuần trước, ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với mức lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng.
VPB của VPBank cũng đỏ lửa 5,16% với gần 12,8 triệu cổ phiếu được trao tay trong phiên 17/1. Bên cạnh đó, đà bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng khi nhóm nhà này tiếp tục xả gần 270.000 cp.
Trước đó, VPBank đã công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
VPBank cho biết việc điều chỉnh là đủ để ngân hàng triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại trong việc mua bán trên thị trường chứng khoán.
Ngoài những mã kể trên, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm sâu 4-5% như TPB (-4,06%), VIB(-4,14%), OCB (-4,32%), SGB (-4,32%), HDB (-5,23%).
Ở phía ngược lại, NVB của Ngân hàng Quốc dân lại bật tăng 7,28% lên 33.900 đồng/cp. Trước đó, NVB đã tăng 216% trong năm 2021 và tăng gần 24% sau 9 phiên giao dịch đầu tiên năm 2022.
Cổ phiếu NVB bật tăng mạnh khi hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền của NVB để phát hành 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu - rẻ bằng chưa đến 1/3 so với giá trên sàn.
VCB của Vietcombank cũng ghi nhận diễn biến tích cực trong ngày hôm nay khi tăng 3,36% và mã duy nhất có được sắc xanh trong nhóm VN30. Tính chung từ đầu năm đến nay, VCB đã tăng tổng cộng gần 9,4%.
Trong báo cáo ngành phát hành mới đây, Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết Vietcombank lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 7% cổ phần từ 2020, nhưng do dịch Covid, kế hoạch đã bị trì hoãn. Tại cuộc họp với các chuyên gia phân tích trong quý IV/2021, ban lãnh đạo Vietcombank dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ phát hành riêng lẻ trong đầu năm 2022 và hoàn thành sớm nhất có thể vào giữa năm 2022.