Cách đây 1 thập kỷ, các ngân hàng là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Chính các bên cho vay (mà trong đó có ngân hàng) đã khiến thị trường thế chấp sụp đổ và xô đổ cả hệ thống tài chính. Sau khi bong bóng vỡ, họ có nhiều năm "bị vùi dập" bởi lãi suất thấp, những quy định ngặt nghèo hơn và nhu cầu èo uột.
Tuy nhiên có lẽ giờ là lúc câu chuyện thay đổi. Các ngân hàng đều có nguồn vốn vững chắc khi cuộc khủng hoảng Covid-19 nổ ra, và họ đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn so với kỳ vọng của bất kỳ ai. Giờ thì các ngân hàng được nhận định sẽ có được cú hồi phục lịch sử theo sát đà hồi phục của nền kinh tế thay vì trở thành lực cản đối với nền kinh tế như trước kia.
"Các ngân hàng ở trong vị thế tương tự như mảng tiêu dùng", Keith Lerner – chiến lược gia trưởng của Truist Advisory Services – nói. "Chúng ta cũng từng không lường trước được rằng mảng tiêu dùng sẽ thích nghi tốt như vậy khi phải chịu đựng cú sốc quá lớn như Covid-19".
Theo Lerner, những lo sợ tồi tệ nhất về thất nghiệp đã không trở thành hiện thực, và số lượng các vụ phá sản là khá thấp nhờ những gói kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ. Các hộ gia đình sử dụng tiền cứu trợ và thời gian bị nhốt trong nhà để trả nợ và tiết kiệm. Kết quả là 1 nền kinh tế "có sức bật như lò xo" sẽ xuất hiện trong thế giới có vaccine. Sau 1 năm không được đi đâu và được tiếp thêm sức mạnh bởi các gói cứu trợ, các hộ gia đình cũng sẽ hồ hởi mua sắm bù, trong đó có khoản chi lớn cho những thứ như đồ gia dụng.
Có quan điểm tương tự, Diane Jaffee, quản lý cao cấp tại TCW, cũng nhận định các ngân hàng bước vào cuộc suy thoái này với nguồn vốn dự phòng rất lớn. Năm 2020 qua đi, những kịch bản tồi tệ nhất được phác họa trong những ngày tháng kinh hoàng nhất trong thời kỳ đầu dịch đã không trở thành hiện thực. Các ngân hàng đã sống khá tốt trong khủng hoảng lần này.
Và điều quan trọng hơn là bối cảnh kinh tế vĩ mô đang có lợi. Sau nhiều năm, 2021 có thể là năm mà cuối cùng các ngân hàng cũng có lợi thế về lãi suất.
Đường cong lợi suất đang trở nên dốc hơn, khiến khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay tăng lên. Không chỉ có vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng tăng nhẹ. Quý vừa qua, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan Chase đã ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục.
2021 cũng có thể là năm mà đà tăng giá đã kéo dài suốt mấy chục năm của thị trường trái phiếu sẽ kết thúc. Nếu giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng, các doanh nghiệp sẽ quay sang vay vốn ngân hàng thay vì phát hành trái phiếu để huy động vốn như trước.
Chiến thắng của ông Biden và đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vừa qua cũng có lợi cho ngành ngân hàng. Quỹ ETF Invesco KBW Bank đã tăng trưởng kỷ lục hơn 11% trong tháng vừa qua, sau khi chiến thắng của đảng Dân chủ ở Quốc hội và Nhà Trắng trở nên rõ ràng hơn.
Theo các chuyên gia của Jefferies, khi giải ngân được nhiều khoản vay hơn, các ngân hàng sẽ có tăng trưởng tín dụng tốt, kiểm soát chi phí tốt hơn và bắt đầu mua lại cổ phiếu quỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục trả cổ tức, thậm chí còn có thể tăng cổ tức.
Tham khảo Marketwatch