Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong 7 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có đợt điều chỉnh giảm khá mạnh. Hiện giá các cổ phiếu ngân hàng đã giảm khoảng 10-30% so với đỉnh cũ. Tuy nhiên trong hơn 1 tuần trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư (NĐT), nhất là NĐT ngoại như CTG, MBB, STB…
Chẳng hạn phiên giao dịch 15/9, sau khi đồng loạt chìm trong sắc đỏ vào buổi sáng, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã đảo chiều lấy lại được sắc xanh. Đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được duy trì ngay từ khi mở phiên giao dịch ngày 16/9, qua đó giúp VN-Index giữ được sắc xanh.
Báo cáo cập nhật về ngành Ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, hiện là thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngân hàng. Mặc dù bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 của ngành Ngân hàng sẽ chịu tác động tương đối mạnh từ đợt dịch lần thứ tư, nhưng VNDirect nhận định, những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Vì vậy cổ phiếu ngành Ngân hàng vẫn là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Trên thực tế hiện một số tỉnh, thành lớn đang bắt đầu nới lỏng giãn cách, khôi phục sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, NHNN ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi suất, phí cho các khoản nợ phát sinh trước 1/8 và được thực hiện cho đến hết tháng 6/2022 thay vì đến cuối năm 2021. Điều đó giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để khôi phục sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, qua đó hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn. Hoạt động ngân hàng nhờ thế cũng sẽ khởi sắc trở lại.
Theo dự báo của giới chuyên môn, dịch bệnh sẽ được kiểm soát cơ bản trong tháng 9/2021, khi đó tín dụng quý IV/2021 sẽ bật mạnh trở lại, giúp các ngân hàng có thể được bù đắp doanh thu đã mất mát trong các quý trước. Nhiều khả năng, tới đây NHNN sẽ có một đợt cấp room tín dụng nữa khi tín dụng đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
"Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý III/2021, chúng tôi tin rằng các ngân hàng này sẽ có thể giải phóng nguồn vốn và chắc chắn rằng sẽ cho thấy lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021 và năm 2022", các chuyên gia của MBKE dự báo.
Trên thực tế, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành thích ứng khá nhanh với điều kiện dịch bệnh, do đẩy mạnh chuyển đổi số, bán hàng và tiếp cận khách hàng trên kênh số hóa, giảm mạnh chi phí hoạt động nhờ số hóa. Nên dù tín dụng chậm lại, song các ngân hàng chẳng những vẫn duy trì hoạt động hiệu quả, mà còn tích cực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Chẳng hạn như tại ACB, khi dịch Covid-19 xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh - nơi ngân hàng có 137 phòng giao dịch, vì tuân thủ những quy định về giãn cách ngay lập tức ngân hàng đã phải đóng cửa 100 phòng giao dịch. Tuy nhiên, nhờ dịch vụ mở tài khoản online bằng e-KYC, số tài khoản mới mở tại ngân hàng tăng lên 10.000 tài khoản/ngày gấp ba lần con số ngân hàng này kỳ vọng chỉ là 3.000 tài khoản mới/ngày. Việc trả nợ hay cho vay cũng được duy trì thông qua các dịch vụ trực tuyến. Doanh số và số lượng giao dịch trực tuyến 8 tháng đầu năm 2021 của ngân hàng tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, thời gian qua các ngân hàng cũng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ phi tín dụng để giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng, qua đó giúp hoạt động ngân hàng bền vững và hiệu quả hơn. Một trong những dịch vụ mang lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng trong thời gian qua là bancassurance.
Chẳng hạn như VietinBank sắp ghi nhận nguồn lợi nhuận lớn từ phí bancassurance thông qua hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife. Techcombank vừa gia hạn hợp đồng 15 năm với Manulife Việt Nam và dự kiến thu về một khoản phí khoảng 6.900 tỷ đồng từ việc gia hạn này. Dự báo, các thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền của các ngân hàng sắp tái đàm phán được kỳ vọng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2021-2022. Đơn cử, HDBank đang trong quá trình tái đàm phán thỏa thuận với Dai-ichi Life. VPBank cũng sẽ tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí "trả trước" cao hơn, giá trị có thể sẽ tương đương như các ngân hàng khác.
Trong khi đó, theo đánh giá của giới chuyên môn, giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá hấp dẫn. Quả vậy, sau đợt điều chỉnh vừa qua, chỉ số P/E 4 quý của một số ngân hàng đã về dưới 10 như OCB, ACB, MSB, TPB… Trong khi P/B của nhiều ngân hàng chỉ dao động quanh mức 2, thậm chí có một số mã P/B còn dưới 2 như các ngân hàng OCB, TPB...
Việc giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh trong thời gian qua, theo một chuyên gia chứng khoán, phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Một số cổ phiếu ngân hàng đã chạm đáy ngắn hạn, trung hạn và đang dò tìm điểm chạm, chờ cơ hội bứt phá. Vì vậy, với mặt bằng giá như hiện tại, cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.
Với những yếu tố trên, rõ ràng khả năng phục hồi tăng giá của cổ phiếu ngân hàng là khả quan. Nhưng giới chuyên gia nhận định việc tăng giá đồng loạt các cổ phiếu ngân hàng như giai đoạn trước là khó xảy ra mà có sự phân hoá. Những ngân hàng có khả năng quản trị tốt, cơ cấu tài sản lành mạnh, trích lập nợ xấu ở mức an toàn sẽ nắm nhiều lợi thế vượt lên sau dịch bệnh.
Ngoài các yếu tố trên, những ngân hàng có câu chuyện riêng, lại có giá hợp lý cũng tạo lợi thế cho cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn tới. Chẳng hạn như bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, thoái vốn tại các công ty con… Bên cạnh khuyến nghị lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có "câu chuyện riêng", các chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với một số cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang bị định giá quá cao.