Trong giai đoạn vừa qua nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố chính dẫn dắt thị trường, giúp VN-Index tăng mạnh lên mức lịch sử 1.350 điểm. Giá trị vốn hóa của 16 ngân hàng niêm yết hiện nay đóng góp hơn 35,5% vốn hóa của VN-Index và 42% vốn hóa của chỉ số VN30 Index, tăng mạnh so với mức 20% vốn hóa VN-Index thời điểm cách đây 1 năm.
Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, nghiên cứu Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua?
Các TTCK top 5 của ASEAN đều nằm trong nhóm các thị trường mới nổi gồm Malaysia, Indonesia, Philippines, Thailand và Singapore. Trong khi TTCK Việt Nam đang được xếp vào nhóm cận biên (frontier market), nhưng TTCK Việt Nam có tốc độ tăng tốt nhất trong 5 tháng đầu năm khi đã tăng 22% từ 1.098 điểm lên 1.345 điểm, đi kèm với đó là tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản và đang tiến đến mức 29.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên, lớn thứ 2 của khu vực Đông Nam Á.
Đóng góp vào đó không thể không nhắc đến các cổ phiếu ngân hàng, nhóm tăng mạnh nhất, chiếm thanh khoản gần 40% thị trường. Động lực khiến các cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá và thanh khoản bao gồm:
Thứ nhất, bất chấp dịch bệnh Covid-19, nhưng các ngân hàng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt. Từ đó trở thành điểm tựa niềm tin cho các nhà đầu tư (NĐT), cho thị trường.
Thứ hai, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Điều này giúp giảm áp lực nợ xấu, qua đó giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng.
Thứ ba, thanh khoản thị trường liên tục tăng trưởng; dòng tiền từ NĐT cá nhân mạnh mẽ đổ vào thị trường trong nửa đầu năm 2021 sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu nói chung, giá cổ phiếu ngân hàng nói riêng.
Thứ tư, mặt bằng lãi suất hiện tại ở mức thấp, từ đó giúp định giá toàn ngành (P/E và P/B) được chấp nhận ở mức cao hơn so với 2019.
Sự tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nâng đỡ cho thị trường
Ông có nhận định gì về triển vọng và rủi ro của nhóm cổ phiếu ngân hàng?
Chúng tôi cho rằng cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tốt và sẽ tiếp tục là nhóm ngành chủ đạo, dẫn dắt thị trường tăng điểm vào nửa sau của năm 2021. Thứ nhất, không chỉ tại Việt Nam, mà tại các quốc gia khác, ngân hàng luôn được hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi.
Thứ hai, mỗi ngân hàng có những câu chuyện riêng như: phát hành tăng vốn cho nước ngoài; chia cổ tức bằng cổ phiếu… để thu hút NĐT.
Thứ ba, hệ thống giao dịch HoSE đang được nâng cấp cũng sẽ tạo tiền đề cho dòng tiền mạnh mẽ chảy vào thị trường, từ đó giúp định giá của VN-Index nói chung và của cổ phiếu ngân hàng nói riêng tăng lên.
Thứ tư, làn sóng các ngân hàng từ OTC, sàn UPCoM, sàn HNX lên sàn HoSE vẫn đang diễn ra và sẽ tiếp tục giúp tăng quy mô của toàn ngành trong tổng vốn hóa của VN-Index.
Còn về rủi ro, ngành Ngân hàng cũng có những rủi ro chung giống như nền kinh tế Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 làn sóng thứ 4 vẫn đang lan rộng, với quy mô lớn hơn nhiều so với 3 lần trước đó khiến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực. Là ngành kinh tế tổng hợp, ngân hàng cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông các khách hàng của ngân hàng. Tuy nhiên, khi xét cân đối cả yếu tố triển vọng và rủi ro, thì chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có cơ hội tốt trong năm 2021.
Vậy ông có khuyến nghị gì với NĐT?
Chúng tôi cho rằng, NĐT khi cân nhắc đầu tư đến bất cứ ngành nào, không chỉ riêng ngân hàng, cũng cần được trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết dành cho việc đầu tư, ví dụ như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật... Ngoài ra NĐT cũng cần xác định được kỳ vọng đầu tư của mình là khoảng bao nhiêu, thời gian đầu tư sẽ kéo dài bao lâu và liệu nguồn vốn sử dụng để đầu tư là ngắn hạn, hay dài hạn.
Hiện NĐT Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 3% dân số, mức rất thấp so với khu vực Đông Nam Á là khoảng 30% dân số, hay tại các quốc gia phát triển khoảng 50-70% dân số. Do vậy tiềm năng của TTCK nói chung và của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng là rất tốt.
Với các NĐT có kiến thức muốn tiếp cận với nhóm cổ phiếu ngân hàng, cần theo dõi các yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngành như: lãi suất, nợ xấu và các chính sách… Thêm vào đó, NĐT nên đầu tư những cổ phiếu có định giá rẻ tương đối so với ngành mà có chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao.
Còn với các NĐT chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, hoặc chưa có mục tiêu đầu tư rõ ràng thì thay vì đầu tư cụ thể từng mã, nên mua các chứng chỉ quỹ do các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp phát hành để giảm rủi ro.
Xin cảm ơn ông!