Phiên giao dịch 8/11 ghi nhận sự bứt phá mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index đóng cửa tăng 11,06 điểm (0,76%) lên 1.467,57 điểm, qua đó xác lập kỷ lục mới. Trong đó, nhóm chứng khoán có giao dịch nổi bật với hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh, vượt đỉnh lịch sử như AGR, BSI, CTS, HCM, SSI, VCI, VND, VIX, BVS…
Cổ phiếu chứng khoán đồng loạt lập đỉnh mới trong phiên 8/11
Với độ nhạy thị trường lớn, nhóm chứng khoán luôn là lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư mỗi khi thị trường tăng điểm. Trong những phiên giao dịch gần đây, VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới, cùng với đó, thanh khoản cũng đang ở mức rất cao với giá trị mỗi phiên lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, thậm chí đạt mức trên 50.000 tỷ đồng trong phiên 3/11 đã hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của nhóm Công ty chứng khoán cũng cho thấy những con số tích cực với hàng loạt công ty báo lãi tăng trưởng "bằng lần" so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí có tới 6 Công ty chứng khoán ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Với diễn biến thị trường đang bứt phá mạnh thời gian gần đây, không bất ngờ khi giới đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng nhóm chứng khoán sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 4, qua đó thúc đẩy đà bứt phá của cổ phiếu.
Bên cạnh yếu tố thị trường thuận lợi, việc hàng loạt Công ty chứng khoán lớn nhỏ như VNDIRECT, HSC, VCSC, MBS, Pinetree, DNSE…đồng loạt tăng vốn mạnh mẽ trong năm 2021 đã giúp gia tăng năng lực, tài chính, đáp ứng dịch vụ cho giới đầu tư, từ đó có thể cải thiện đáng kể lợi nhuận.
Số liệu cuối quý 3/2021 cho biết dư nợ margin trên toàn thị trường hiện vào khoảng 145.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,25 lần trên vốn chủ sở hữu, là mức an toàn so với quy định cho vay tối đa 2 lần tại các Công ty chứng khoán. Có thể thấy, việc chủ động đẩy mạnh tăng vốn đã giúp các Công ty chứng khoán gia tăng dư địa cho vay đáng kể.
Trên thị trường, nhóm Chứng khoán đã bứt phá ngoạn mục trong thời gian gần đây, đẩy định giá P/B các công ty trong ngành lên mức khá cao. Dựa trên số liệu báo cáo quý 3 và giá đóng cửa phiên 8/11, ước tính hầu hết các Công ty chứng khoán hiện có P/B trên 1,5.
Trong đó, các Công ty chứng khoán thu hút dòng tiền mạnh với thanh khoản lớn đều có P/B trên 2, thậm chí trên 3, như CTS (P/B 2,3), HCM (P/B 2,8), BSI (P/B 3,1), MBS (P/B 3,3), VND (P/B 3,4), SHS (P/B 3,5), SSI (P/B 3,6), VCI (P/B 3,8)…
P/B các CTCK khu vực Châu Á chủ yếu từ 1 - 1,5 lần
So với mặt bằng chung các Công ty chứng khoán Châu Á (P/B đa phần từ 1- 1,5) thì mức định giá P/B của các Công ty chứng khoán Việt Nam hiện khá cao.
Việc định giá P/B các Công ty chứng khoán Việt Nam ở mức cao có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về tiềm năng tăng trưởng quy mô của thị trường Việt Nam khi mà số lượng tài khoản giờ chỉ khoảng 3,8 triệu, tương đương 4% dân số. Đây là mức thấp so với các quốc gia trong khu vực và điều này là cơ hội tốt cho các Công ty chứng khoán phát triển các dịch vụ phục vụ khách hàng. Do đó, nhóm chứng khoán được các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn.