Trong một thời gian dài vừa qua những cổ phiếu ngành dệt may như: TCM, TNG, GMC, GIL, STK…đã có chuỗi thời gian tăng giá ấn tượng. Sau khi tăng lên mức giá cao nhất lịch sử vào trung tuần tháng 3 thì giá các cổ phiếu ngành này đã hạ nhiệt và giao dịch khá "bình tĩnh" ở mức giá thấp hơn. Câu hỏi đặt ra là cổ phiếu ngành dệt may đã tạo đỉnh hay đang trong một quá trình tích lũy chờ cú bật mới?
Các cổ phiếu dệt may điều chỉnh sau giai đoạn bứt phá mạnh
Theo những số liệu do cơ quan quản lý công bố mới nhất, có thể thấy ngành dệt may vẫn có những diễn biến tích cực. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 3 tháng đầu năm 2019 đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 3/2019 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 106,4% so với tháng 2/2019 và tăng 15,9% so với tháng 3/2018. Luỹ kế, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 3 tháng đầu năm 2019 đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính tăng nhiều nhất là Mỹ, chiếm 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước khi đạt 2,14 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường giữ vị trí thứ hai là Nhật Bản chiếm 12,6%, đạt 577,89 triệu USD, tăng 7,6%. Các thị trường khác như EU, Hàn Quốc cũng tăng mạnh. Trước đấy năm 2018, số liệu tổng cục Hải quan cũng đã cho biết, kết thúc năm 2018, giá trị xuất khẩu sản phẩm dệt may, xơ sợi Việt Nam đạt 34,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước.
Số liệu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trên sàn cũng khá ấn tượng khi tổng doanh thu các doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán năm 2018 đạt 63.638 tỷ đồng, tăng 11%; Lợi nhuận sau thuế đạt 3.111 tỷ, tăng 28% so với năm trước đó.
Theo báo cáo phân tích của các CTCK, ngành dệt may đang đứng trước những cơ hội tươi sáng khi các hiệp định thương mại lớn đang và sẽ tiếp túc triển khai trong thời gian sắp tới như: Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019 mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng dệt may, đặc biệt khi thị phần của các nước trong Hiệp định chiếm gần 16% trong tổng giá trị xuất khẩu; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) kỳ vọng sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2019.
Đây là hiệp định với sự tham gia của 6 quốc gia mà ASEAN có thỏa thuận thương mại tự do bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand, với tổng đóng góp từ 6 quốc gia này đến tổng xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2017 là 57%.
Bên cạnh đó, nếu hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua trước tháng 5/2019 cũng sẽ là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Về hệ số định giá, hầu hết các cổ phiếu dệt may đều đang giao dịch với P/E dưới mức 6,5 lần, ngay cả với những cổ phiếu dệt may có lịch sử trả cổ tức bằng tiền cao hàng năm như: GMC (20% -30%), GIL (25% – 50%) thì P/E hiện tại cũng chưa đến 5 lần.
Những yếu tố trên cho thấy ngành dệt may vẫn được hưởng lợi lớn trong trung và dài hạn. Với mức định giá hiện không quá cao, chúng ta có thể kỳ vọng nhịp điều chỉnh gần đây của nhóm dệt may mang tính chất ngắn hạn.