Nhóm cổ phiếu ngành dược thường được xem là nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường. Trước đây, các doanh nghiệp trong nhóm này thường có lợi nhuận tăng đều đặn hàng năm và mức cổ tức ổn định, giá cổ phiếu cũng không có biến động quá lớn.
Tuy nhiên, câu chuyện của ngành dược trong năm 2018 có lẽ đã khác khi nhiều cổ phiếu dược phẩm rớt giá mạnh và biên lợi nhuận có dấu hiệu suy giảm.
Cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành CTCP Dược Hậu Giang (DHG)đã giảm mạnh từ vùng 110.000 đồng/cp về gần 80.000 đồng/cp với thanh khoản thấp về cuối năm 2018.
Hoạt động kinh doanh của DHG cũng ghi nhận sự sụt giảm. Doanh thu 9 tháng 2018 đi ngang trên 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 512 tỷ đồng, thực hiện được 62% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 448 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ 2017.
Về mức chia cổ tức, DHG đã chi trả 30% bằng tiền mặt cho năm 2017 và cũng có kế hoạch chi trả 30% cho năm 2018. Công ty chỉ mới tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 với tỷ lệ 10%.
CTCP Traphaco (TRA) cũng gặp khó khăn khi doanh thu 9 tháng năm 2018 giảm 3% còn 1.266 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 42% so với cùng kỳ đạt 103,5 tỷ đồng và mới thực hiện được 1/3 kế hoạch cả năm.
Với kết quả đó, cổ phiếu TRA trên thị trường cũng đi xuống từ vùng giá 110.000 đồng/cp rơi về 70.000 đồng/cp như hiện nay, tương đương với mức sụt giảm khoảng 35% sau 1 năm.
Cùng giống DHG, Traphaco đã chi trả cổ tức 30% cho năm 2017 và kế hoạch chi trả 30% trong năm 2018. Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 với tỷ lệ 20%. Dù vậy, cổ tức tiền mặt 30% trên thị giá 70.000 đồng/cp cũng không phải là tỷ suất quá tốt, chưa kể đến sự sụt giảm mạnh về giá.
CTCP Dược Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD)ghi nhận lợi nhuận 9 tháng gần 120 tỷ, giảm 6% so với cùng kỳ. Kéo theo đó, giá cổ phiếu cũng rơi từ trên 50.000 đồng/cp về vùng 40.000 đồng/cp trong 1 năm qua.
Không chứng kiến sự suy giảm về lợi nhuận như DHG hay TRA nhưng phần lớn các cổ phiếu dược khác cũng không có sự đột biến về lợi nhuận, viễn cảnh tăng trưởng chậm lại đã khiến giá cổ phiếu nhiều công ty khác cũng sụt giảm mạnh.
CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) ghi nhận lợi nhuận 9 tháng 2018 đạt 163 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Dù vậy, giá cổ phiếu lại liên tục sụt giảm từ vùng 110.000 đồng/cp về khoảng 75.000 đồng/cp, tương ứng giảm trên 30% sau 1 năm.
Hay CTCP Pymepharco (PME) chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm từ vùng giá hơn 70.000 đồng/cp về mức 56.000 đồng/cp. Kết quả kinh doanh của 9 tháng của PME đạt 228 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 6%.
Biên lợi nhuận gộp thu hẹp
Một vấn đề đáng quan tâm của ngành dược là biên lợi nhuận gộp có xu hướng giảm. Theo một báo cáo của Chứng khoán KIS, trong thị trường dược phẩm được kiểm soát chặt chẽ, khả năng các công ty sản xuất dược phẩm nội địa chuyển phần giá tăng lên cho người tiêu dùng sẽ bị hạn chế. Do đó biên lợi nhuận gộp của nhóm này dự kiến sẽ thu hẹp 2% đến 5%.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất Dược chất lượng cao với nguồn đầu vào từ đối tác nước ngoài, sẽ bị ảnh hưởng ít hơn và có cơ hội để gia tăng thị phần, KIS nhận định thêm.
Biên lợi nhuận thu hẹp có tác động từ giá API (thành phần hoạt chất dược phẩm) nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 15% đến 80% từ giữa năm 2018. Trong khi đó, ngành Dược phẩm nước ta phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu nguyên liệu và Trung Quốc là nhà cung cấp API lớn nhất, chiếm ít nhất 60-70% tổng lượng nhập khẩu các thành phần dược liệu.
Thị trường dược phẩm cũng chứng kiến sự chuyển dịch cơ cấu kênh phân phối khá quan trọng khi mức tiêu thụ của kênh bán lẻ (OTC) ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho kênh điều trị (ETC) phát triển.
Theo nghiên cứu của IMS Health, tiêu thụ thuốc của Việt Nam ở kênh OTC chỉ tăng nhẹ 3,6% CAGR trong 5 năm tới, giảm tỷ trọng trong tổng tiêu thụ ngành Dược xuống còn 35% vào năm 2021. Thay vào đó, doanh số kênh ETC được dự phóng tăng trưởng mạnh 10,6% CAGR và sẽ chiếm chủ đạo 65% thị trường Dược phẩm đến 2021.