Shell, Tập đoàn dầu khí lớn nhất châu Âu, mới đây cho biết họ sẽ kết thúc hoạt động liên doanh với Gazprom - một tập đoàn khí đốt tự nhiên của Nga và các đơn vị liên quan. Hãng hiện đang có 27,6% cổ phần trong nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin 2 tại Nga và 50% cổ phần trong Công ty Phát triển Dầu khí Salym và liên doanh năng lượng Gydan. Động thái này nối tiếp tập đoàn dầu khí BP khi trước đó BP cũng đã rút cổ phần của họ khỏi tập đoàn dầu mỏ hàng đầu của Nga là Rosneft
Shell đã có nhiều năm xây dựng mối quan hệ chiến lược với Gazprom, việc Shell thoái vốn khỏi các dự án sẽ giáng một đòn mạnh vào nguồn cung khí đốt cho toàn cầu đẩy giá khí tăng cao hơn nữa.
Thep dữ liệu từ S&P Global Platts, vào tháng Hai, gần 3/4 lượng hàng hóa LNG xuất khẩu của Mỹ hiện được chuyển đến châu Âu với mức giá cao. Trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan, lo ngại về nguồn cung đã nâng giá khí đốt trong tháng Hai lên hơn 26USD/ MMBtu. Trong ngày 24/2, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, giá khí đốt khi đó đã tăng lên hơn 37 USD/MMBtu.
Giá khí tăng nóng trong thời gian qua đã giúp nhiều cổ phiếu trong ngành khí tăng mạnh.
CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) và công ty con là MT Gas (MTG) lần lượt tăng 38% và 36% trong tháng 2 vừa rồi.
Các cổ phiếu khác trong nhóm hạ nguồn như PGC của Tổng công ty Gas Petrolimex-CTCP, PCG của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Gas đô thị ghi nhận mức tăng giá mạnh chỉ trong 1 tháng, lần lượt là 22% và 30%.
Báo cáo mới nhất của Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect cho rằng nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.