Việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chọn Việt Nam là một trong hai điểm dừng chân trong chuyến công du Đông Nam Á mới đây cho thấy tầm qua trọng của quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đã tăng bình quân 18%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng trưởng 55,1%; theo tỷ trọng, Mỹ cũng chiếm 16,75% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam, đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc.
Về đầu tư FDI, lĩnh vực sản xuất được Mỹ tập trung hơn với tỷ trọng 61%, tính đến hết 6/2021 đã có 1.100 dự án của Mỹ tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 9,7 tỷ USD. Theo đó, bất chấp diễn biến phức tạp cảu dịch bệnh từ tháng 5, đầu tư FDI vẫn ghi nhận tăng trưởng 4% về giá trị đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm. Ngoài ra, thông qua đầu tư gián tiếp là các quỹ, khoảng 655 triệu USD cũng đã được rót vào thị trường Việt Nam.
Đây là tiền đề, mở ra kỳ vọng cho hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn tới đây, giúp Việt Nam có những bước củng cố mới đầy triển vọng. Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra nhận định về các ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, cụ thể là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thép, dệt may, thủy sản, BĐS khu công nghiệp và cảng biển.
Ngành thép tiếp tục hưởng lợi nhờ giá bán cao và cầu xây dựng phục hồi
Nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang thị trường Mỹ đạt 336.000 tấn, tương ứng tăng trưởng 250% so với cùng kỳ, tổng giá trị khoảng 332 triệu USD. Tới đây, BSC cho rằng thị trường Mỹ vẫn có dư địa tăng trưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp thép Việt Nam khi nhu cầu xây dựng tăng mạnh nhằm đẩy mạnh quá trình hồi phục kinh tế.
Giá các sản phẩm thép cán nóng HRC và thép cán nguội CRC tại thị trường Bắc Mỹ liên tục tăng trong vòng 1 năm trở lại đây nhờ cầu xây dựng và sản xuất tăng mạnh và nguồn cung gián đoạn. BSC cho rằng giá bán HRC và CRC sẽ duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu xây dựng tăng mạnh khi gói kích thích kinh tế 1,900 tỷ USD của chính phủ Mỹ có hiệu lực trong thời gian tới. Do vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn tích cực.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép dẹt tại thị trường Bắc Mỹ sẽ giúp cho KQKD của các doanh nghiệp trong ngành có tỷ trọng xuất khẩu đi Mỹ cao như NKG, HSG tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021.
Ngành thủy sản duy trì kim ngạch xuất khẩu khả quan
Nói đến Thủy sản, Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Triển vọng cho kết quả kinh doanh quý 3/2021, BSC cho rằng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục khả quan. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản các thị trường trên thế giới dự kiến trở lại bình thường sau khi tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh, cùng với đó là mức nền thấp của năm 2020 cũng sẽ hỗ trợ tốc độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, áp lực chi phí sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp Thủy sản. Cụ thể, việc giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam trong quý 2 và kéo dài sang quý 3 là rủi ro chính và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Thủy sản vì năng suất lao động giảm kèm theo vấn đề tăng chi phí cho doanh nghiệp (chi phí tiến hành 3 tại chỗ, chi phí kiểm dịch,…).
Rủi ro còn đến từ việc cước phí vận tải và chi phí nguyên vật liệu neo ở mức giá cao, từ đó có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong quý 3/2021. Bên cạnh đó, BSC cho rằng giá các loại thức ăn chăn nuôi tuy có giảm nhưng vẫn ở tăng 20% so với cùng kỳ, ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí đầu vào do chi phí thức ăn chiếm khoảng 60% - 70% chi phí nuôi trồng thủy sản.
Doanh nghiệp Dệt may khả quan nhờ lượng đơn hàng ký mới tăng mạnh
Cùng với Thủy sản, Dệt may cũng được hưởng lợi trực tiếp khi Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu trong quý 3/2021 kỳ vọng tiếp tục khả quan. Giá trị đơn hàng khả quan ký từ đầu năm và ký mới khi nhu cầu mua sắm tại thị trường xuất khẩu tăng cao và mức nền thấp của năm 2020 giúp tăng trưởng nửa cuối năm 2021 của doanh nghiệp dệt may tích cực.
Song, rủi ro xuất phát từ năng suất lao động giảm khi phải tiến hành giãn cách cùng với áp lực tăng chi phí để duy trì sản xuất. Do đó, BSC đánh giá, các doanh nghiệp Dệt may sẽ có thể gặp khó khăn trong việc giao đơn hàng đã ký kết đúng hạn và e ngại khi ký đơn hàng mới khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Ngành Bất động sản khu công nghiệp được "mở khóa"
Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư FDI từ Mỹ vào Việt Nam liên tục được cải thiện sau chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Triển vọng nửa cuối năm 2021, BSC đánh giá yếu tố “mở khóa” nguồn cung đất khu công nghiệp giúp xu hướng dịch chuyển mở rộng ra các khu vực tỉnh thành cấp 2-3. Bên cạnh đó, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng cao vẫn là yếu tố giúp giá cho thuê khu công nghiệp duy trì ở mức cao.
Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối sẽ giải quyết nút thắt cổ chai “logistic” hỗ trợ trực tiếp cho ngành bất động sản KCN trong trung hạn. Mặt khác, hiện tại, dịch bệnh vẫn là rào cản lớn nhất dẫn đến sự đình trệ trong tiến độ giao dịch của khu công nghiệp trong bối cảnh nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm.
Ngành cảng biển tăng trưởng mạnh nhờ lượng hàng hóa qua cảng tăng
Là một trong những ngành nhận được sự quan tâm lớn từ đầu năm tới nay, Cảng biển được BSC đánh giá các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với danh mục hàng loạt mặt hàng đa dạng như dệt may, điện tử, gỗ..
Với việc sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển kỳ vọng đạt 381 triệu tấn (+9%), các doanh nghiệp Cảng biển sẽ tiếp đà tăng trưởng. Điều này nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu khi các quốc gia đang thúc đẩy chiến dịch miễn dịch toàn dân kết hợp với các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất.