Thị trường nào cũng có những Cổ phiếu (CP) bị định giá chưa đúng giá trị thực trong kỳ nào đó. Nhà đầu tư khôn ngoan là người tìm được những CP đang bị thị trường định giá thấp dưới giá trị nội tại (thực).
Bởi khi các thông tin đúng có sẵn trên thị trường, các CP này sẽ được định giá lại và tăng giá mạnh. Các CP này được gọi là CP tăng trưởng (Growth Stocks). Để đầu tư hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư thường bắt đầu bằng việc phân tích vĩ mô và ngành để xem ngành nào đang được hưởng lợi từ thị trường. Sau đó phân tích toàn diện CP tiềm năng, nhất là về Lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS), tỷ lệ tăng trưởng EPS và các chỉ số tài chính để đánh giá rủi ro CP và tính giá trị nội tại CP.
Giá trị nội tại CP là giá trị hiện tại của dòng tiền của CP từ nay đến vô hạn được chiết khấu theo tỷ lệ chi phí vốn. Cách này được các chuyên gia sử dụng, nhưng nó cần nhiều thông tin và không dễ với nhiều nhà đầu tư không chuyên. Cách đơn giản hơn được nhiều nhà đầu tư sử dụng để định giá CP là hệ số P/E (Giá trên lãi mỗi CP) và chỉ số PEG, lấy P/E chia cho G (Growth, tỷ lệ tăng trưởng EPS), và tham chiếu tỷ suất P/B (giá trên giá trị sổ sách mỗi CP).
Nếu CP có P/E thấp hơn so với bình quân ngành, với chính nó trong quá khứ, và thị trường chung được xem là rẻ. Nếu CP có mức rủi ro bình thường, thanh khoản tốt và P/E thấp hơn 10 nên xem xét mua, nếu P/E dưới 7 mua ngay. Nếu PEG dưới 10 nên xem xét mua, dưới 0,7 được xem là rất rẻ, dưới 0,5 mua ngay. P/B càng thấp, càng rẻ.
Tác giả - TS Trần Xuân Nam (Oxford DBA)
Ngành thép tăng trưởng vượt trội nhưng đang được định giá thấp. Các tạp chí ngành thép thế giới đều đánh giá ngành thép bên ngoài Trung Quốc (TQ) sắp bước vào thời kỳ phục hưng. Theo FiinPro, 9 tháng đầu năm, ngành tài nguyên cơ bản thép Việt Nam tăng trưởng lãi 195% so với cùng kỳ năm trước, vượt trội so với các ngành khác như Chứng khoán tăng 92,3%, ngân hàng tăng 34,6%. Ngành Thép lại đang được thị trường định giá thấp nhất, ở mức P/E là 11,1 lần so với bình quân 3 năm gần nhất là 12,5 lần và so với trung bình của thị trường là 16,3 lần hay so với ngành chứng khoán P/E 15,5 lần, Ngân hàng là 11,8 lần.
Cung cầu ngành thép thế giới và các lợi thế cạnh tranh ngành thép Việt Nam.
1. Nhu cầu thép thế giới tăng vọt sau đại dịch nhưng nguồn cung bị hạn chế. Sau đại dịch chính phủ hầu hết các nước như Mỹ, TQ, Châu Âu (EU), Việt Nam (VN) đều có chính sách khuyến khích đầu tư công mạnh mẽ để hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế nhưng nguồn cung bị hạn chế. Theo ước tính của tập đoàn tư vấn CRU (London), kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng Thống Biden khiến nhu cầu thép của Mỹ tăng thêm 5 triệu tấn mỗi năm trong 5 năm đầu tiên. Trong khi đó tính đến cuối năm 2022 công suất của ngành thép Mỹ được dự báo mới chỉ đạt 4,6 triệu tấn/năm. Bất chấp nhu cầu tăng, các công ty thép Phương Tây vẫn do dự không muốn mở rộng sản xuất. Họ đều đang cố gắng trả hết nợ và ưu tiên hàng đầu hiện nay là lãi cho cổ đông thay vì tái đầu tư. Ngoài lý do họ đã trải qua 1 thập kỷ đau thương, còn có 1 nguyên nhân khác là nỗi lo ngại các chính phủ sẽ không thể mãi áp dụng các biện pháp bảo hộ cho ngành thép nội địa.
2. Giá bán các loại thép từ cuối năm ngoái đến nay tăng mạnh và đang giữ ở mức cao. Giá thép xây dựng Việt Nam hiện khoảng 16.800 đ/Kg so với cùng kỳ là 11.000 đ cao hơn 50%. Chỉ trong 1 tháng qua giá thép tăng 3 lần từ 16.360 đ/Kg lên 16.870 đ/Kg, tăng 3% như ví dụ hình dưới.
Trong tháng 9.2021 giá thép HRC tại VN và TQ là khoảng 906-950$/tấn trong khi đó giá ở Mỹ là 1.831 $/tấn và ở EU là 1.290$/tấn. Như vậy giá thép HRC tại Mỹ và EU sau khi trừ đi chi phí vận tải, thuế vẫn cao hơn khoảng 30-70% so với giá bán tại VN.
3. Các DN thép VN đã tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do VN ký kết với các đối tác như với EU (EVFTA); Anh (UKVFTA); Xuyên thái bình dương (TPTPP); Á âu (VCEFT); RCEPT; Asia FTA...Các hiệp định này cho phép VN xuất khẩu với thuế thấp hơn. Hơn nữa Thép xuất khẩu không cần vỏ Containers, vốn đang khủng hoảng và giá quá đắt, nên chi phí vận tải thép tốt hơn so với các ngành phải dùng Container.
4. Các chính sách bảo hộ, phí carbon và thuế thép ở Mỹ và EU. Mỹ với chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, thuế nhập khẩu thép 25% (trừ Canada và Mexico) và các biện pháp phòng vệ thương mại nên giá thép tại Mỹ rất cao. EU áp hạn mức quota với các sản phẩm (SP) Thép, nếu vượt quá phải chịu áp thuế 25%. EU hiện đang áp quota cho các nhà nhập khẩu lớn như Hàn quốc 170.00 tấn/năm, Ấn độ 210.000 tấn/năm. Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu thuế chống bán phá giá từ 4,7%-7,3% lên thép HRC từ tháng 4.2021. Trong khi Quota của VN và các nước khác là 2 triệu tấn/năm trong 3 năm tới. Với hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu thép VN hiện đang được hưởng lợi. EU áp phí Carbon cho thép nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp VN chưa phải áp dụng cho đến hết năm 2025.
5. Nguồn cung thép của TQ đang bị hạn chế: TQ chiếm nguồn cung thép lớn nhất thế giới với khoảng 50% nhưng đang gặp vấn đề về nguồn cung do chính phủ TQ đang cắt giảm 18% lượng khí thải carbon/GDP theo cam kết để chuẩn bị cho thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh năm 2022. Hơn nữa, do các mâu thuẫn ngoại giao với Úc, TQ không nhập than đá từ Úc nữa trong khi ÚC là nước cung cấp than đá lớn nhất thế giới. TQ hiện đang thiếu than trầm trọng để phát điện. Thiếu điện trầm trọng ở TQ dẫn đến rất nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất nghiêm trọng. 23 nhà sản xuất thép lớn ở Đường Sơn TQ được yêu cầu cắt giảm 30-50% sản lượng. Thép xuất khẩu của VN giảm sự cạnh tranh từ TQ. Hơn nữa VN còn xuất khẩu mạnh sang TQ.
6. Từ tháng 5/2021 TQ đã cắt bỏ hoàn toàn chính sách HOÀN thuế xuất khẩu 13% cho 23 mặt hàng thép, nên xuất khẩu thép của TQ giảm mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp VN trong những tháng gần đây tăng mạnh xuất khẩu các loại thép và tôn sang Mỹ, EU, TQ và các nước khác.
7. Chi phí sản xuất thép ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với EU và Mỹ. Theo VCBS giá thành sản xuất thép lò BOF (Việt Nam dùng chủ yếu loại này) ở mức 12 triệu (tr) đ/tấn. Trong đó chi phí quặng sắt là 4,43 tr, than cốc 4,06 tr, điện 1,51 tr còn lại là các yếu tốt khác. Trong khi nếu dùng lò EAF giá thành sản xuất thép là khoảng gần 16 tr đ/tấn, trong đó thép phế liệu là 13,12 tr đ, còn lại là điện và khác. Theo VSDC giá điện và phí carbon khiến chi phí sản xuất thép ở EU cao hơn ít nhất 140-160$/tấn so với Việt Nam. Giá phát thải carbon khoảng 60$/tấn, một tấn thép sản xuất từ lò BOF sẽ thải ra 1,85 tấn Co2. Hơn nữa EU và Mỹ sử dụng công nghệ lò EAF chiếm 40% lượng thép sản xuất. Lò EAF có giá thành sản xuất cao hơn khoảng 15-20% so với công nghệ lò BOF. Chênh lệch giá HRC giữa EU và VN khá cao khoảng 300-550$/tấn nên biên lãi gộp các nhà xuất khẩu VN tốt, khoảng 19-22%.
8. Thị trường thép trong nước sau đại dịch Covid 19 tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm và năm tới do chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cho 3 tháng còn lại trong năm là 243 nghìn tỷ đồng, với số tiền lớn hơn bất cứ năm nào trong quá khứ. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của VN là 517- 611 nghìn tỷ đồng. Các công trình xây nhà ở đang phải tạm hoãn trong thời kỳ giãn cách nay đang được đẩy mạnh. Theo Savills nguồn cung căn hộ năm 2022 và 2023 sẽ tăng hơn năm 2021 từ 67%-70%. GDP Việt Nam năm 2022 dự kiến tăng 7,5%, dòng vốn đầu tư vốn nước ngoài tăng mạnh do chuyển dịch từ TQ sang. Tất cả những yếu tố đó chỉ ra rằng nhu cầu thép ở VN sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại và trong những năm tới.
9. Ngành thép Việt Nam sắp bước vào thời kỳ hoàng kim do nhu cầu thế giới và trong nước tăng cao, nhưng nguồn cung bị hạn chế nên giá bán cao, tỷ lệ lãi tốt và tăng trưởng lãi EPS vượt trội so với các ngành khác nhưng CP lại đang được thị trường định giá thấp với P/E chỉ từ 3,3-7,9 lần, thấp hơn rất nhiều so với 3 năm gần nhất là 12,5 lần.
Phân tích 4 CP tiêu biểu ngành Thép gồm HPG, HSG, NKG và SMC. Cả 4 CP này đều có thương hiệu nổi tiếng trong ngành thép của VN. Các CP này đều có các quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 15-30%. Nghĩa là nó đã được các quỹ đầu tư thẩm định và lựa chọn. Các CP này có tỷ lệ lãi trên vốn chủ sở hữu (VCSH) ROE 4 quý gần nhất cao vượt trội từ 58% đến 68%. Nghĩa là đầu năm C.ty có VCSH 100 đ thì trong năm có lãi 68đ. Lãi sau thuế quý 3.2021 và 4 quý gần nhất đều tăng trưởng xuất sắc so với cùng kỳ từ 196%-1.690%. 4 CP này đều đã tăng giá tốt trong 12 tháng gần đây, nhưng tốc độ tăng giá thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng EPS 4 quý từ 1,81-15,69 lần, dẫn đến P/E trượt 4 quý của các CP này chỉ từ 3.3-7,9 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 3 năm gần nhất, với bình quân ngành 12,5 lần và toàn thị trường là 16,3 lần. P/B ngày 26/10 cũng thấp từ 1,33-2,99 lần so với ngành 2,6 lần như biểu đồ dưới.
CP Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG): HPG với quy mô 8 triệu tấn thép thô/năm là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á. HPG mới đưa vào vận hành tổ hợp nhà máy thép Dung Quất lớn, đồng bộ và hiện đại từ nguyên liệu quặng sắt ra các SP, có cảng nước sâu bên cạnh. Với lợi thế quy mô lớn giúp HPG có giá thành thấp hơn so với các đối thủ khoảng 5-7$/tấn thép. Hơn nữa và việc có mỏ quặng sắt ở Úc và VN giúp HPG ổn định nguồn nguyên liệu và giá thành cạnh tranh hơn. HPG sản xuất thép HRC và nhiều loại thép chất lượng cao mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu làm cho biên lãi gộp của HPG tốt hơn trước nhiều. HPG đang chuẩn bị xây dựng tổ hợp thép lớn thứ 2 ở Dung quất bên cạnh nhà nhà máy hiện hữu. Hơn nữa HPG đang phát triển mạnh ngành điện gia dụng và thùng Container. HPG đạt lãi sau thuế Q3 là 10.350 tỷ đ và 4 quý đạt 31.687 tỷ đ. Do vậy EPS trượt 4 quý là 7.084 đ/CP. Với giá 56.300 đ, P/E của HPG chỉ mới 7.94 lần, thấp hơn nhiều so với bình quân ngành 3 năm qua là 12,5.
CP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG): HSG là tập đoàn số 1 về tôn mạ VN và Đông Nam Á. Trong giai đoạn đại dịch Covid 19, HSG đã đẩy mạnh xuất khẩu sang EU và Mỹ. Tỷ lệ tôn xuất khẩu tháng 8 của HSG đạt đến 83% tổng lượng bán. theo VCBS, HSG có đủ đơn hàng để chạy hết công suất đến nửa đầu năm tới. Tỷ lệ lãi gộp của HSG cao 20-23%. HSG ngoài bán các sản phẩm Tôn, Thép, Ống nhựa của mình, HSG còn làm thương mại chiếm gần ½ doanh thu. HSG đã và đang phát triển chuỗi siêu thị hàng nội thất khắp Việt Nam. HSG ước kết quả quý 3 (tức quý 4 theo năm tài chính của HSG kết thúc vào 30.9) là 950 tỷ và cả năm tài chính là 4.324 tỷ, do vậy EPS là 8.762 đ/CP. P/E hiện chỉ là 5,4 lần. Với ROE cao 66%, tỷ lệ lãi giữ lại cao, thị trường còn rất nhiều cơ hội, nên khả năng tăng trưởng EPS năm tới dự kiến tối thiểu là 19%.
Tôn Nam Kim (NKG) là tập đoàn tôn lớn thứ 2 của VN, sau HSG, sản xuất tôn và ống thép với doanh thu 4 quý gần nhất hơn 1 tỷ Đô la Mỹ. Từ khi dịch Covid 19, NKG đã chủ động tăng mạnh xuất khẩu sang EU và Mỹ. Doanh thu xuất khẩu quý 3 chiếm hơn 80%. Với việc giá bán xuất khẩu cao, tỷ lệ lãi gộp của Công ty tăng mạnh. Lãi sau thuế quý 3 của NKG ước đạt 780 tỷ đ, tăng gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 4 quý là 2.100 tỷ tăng 15 lần so với cùng kỳ. EPS trượt 4 quý đạt 9.615 đ/CP. NKG đang chạy hết công suất máy, ít nhất hết nửa đầu năm 2022. NKG đang xúc tiến dự án giai đoạn 1 tăng 33% công suất lên 1,6 triệu tấn/năm.
CTCP Đầu tư và thương mại SMC. SMC là nhà sản xuất và thương mại thép và các SP thép. SMC có nhiều nhà máy trải dài cả nam, trung, bắc và hệ thống phân phối rộng khắp, xuất khẩu chiếm khoảng 12-15%. Tổng doanh thu 4 quý gần nhất của SMC đạt 19.644 tỷ đ. Lãi sau thuế quý 3.2021 đạt 129 tỷ đ tăng 12,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi 4 quý gần nhất đạt 976 tỷ cao gấp 16,9 lần so với cùng kỳ. EPS trượt 4 quý là 16.028 đ/CP. P/E hiện chỉ là 3,3 lần so với bình quân 3 năm gần nhất là 5.3 lần, thấp hơn nhiều lần so với trung bình ngành 12,5 lần. SMC đang xây dựng 3 nhà máy chế biến các SP thép tại Phú Mỹ, Bà Rịa trong đó có liên doanh với Samsung để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho Samsung và các tập đoàn khác.
Dự phóng tăng trưởng thép theo quan điểm tác giả
Rủi ro khi đầu tư vào các CP ngành thép là các chính sách phòng hộ thương mại của các nước, có thể xem xét áp dụng khi chúng ta xuất khẩu lớn sang nước đó. TQ có thể điều chỉnh chính sách mà nó có lợi cho ngành thép TQ. Dịch COVID-19 có thể bùng phát làm ảnh hưởng đến sức bán nội địa.