Kể từ khi tạo đỉnh ở vùng 1.420 điểm vào đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã bước vào nhịp điều chỉnh và hiện chủ yếu dao động quanh vùng 1.300 điểm. Mặc dù thị trường chung không còn quá thuận lợi nhưng dòng tiền vẫn tìm đến một số nhóm ngành riêng biệt, giúp nhiều cổ phiếu ngược dòng bứt phá.
Một trong những nhóm ngành tăng trưởng tốt thời gian gần đây là cổ phiếu viễn thông với hàng loạt mã lập đỉnh mới, có thể kể tới như FPT Telecom (FOX), CMC (CMG), Viettel Construction (CTR), Công nghệ Tiên Phong (ITD), Elcom (ELC), VNTT (TTN). Trong đó, FOX đã tăng gần 84% so với đầu năm, đưa vốn hóa FPT Telecom lên hơn 28.000 tỷ đồng, qua đó gia nhập nhóm doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu viễn thông đồng loạt lập đỉnh mới
Đà tăng trưởng của nhóm viễn thông có đóng góp không nhỏ từ kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Xét về đà tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2021, ITD là doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất nhóm viễn thông với mức tăng 85% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23,6 tỷ đồng.
Viettel Construction cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên tới 55% so với cùng kỳ, đạt 153 tỷ đồng. CMC tăng trưởng 33% lợi nhuận, đạt 116 tỷ đồng; Elcom tăng trưởng 31% lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2021, đạt 18,7 tỷ đồng; FPT Telecom tăng trưởng 28% lợi nhuận sau thuế, đạt 958 tỷ đồng…
Viettel Global (VGI) là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành viễn thông có kết quả kinh doanh kém tích cực trong nửa đầu năm khi chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 442,6 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công ty mẹ VGI lỗ 92 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cùng kỳ năm trước lãi ròng 788 tỷ đồng. Những vấn đề tại thị trường Châu Phi hay tại Myanmar đã ảnh hưởng tới số liệu kinh doanh của công ty, dù cho số lượng thuê bao cũng như thị phần vẫn tăng trưởng tốt. Với kết quả kinh doanh không quá tốt, thị giá cổ phiếu VGI tại ngày 1/9 so với đầu năm đã giảm 7%.
Cơ hội nào cho ngành viễn thông?
Theo Internet World Stats, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới. Số lượng thuê bao Internet đã tăng 343 lần từ năm 2000 đến năm 2020. Chứng khoán VNDIRECT đánh giá tiềm năng phát triển Internet băng rộng cố định tại Việt Nam còn lớn khi tỷ lệ thâm nhập hiện đạt khoảng 18 thuê bao/100 người, thấp hơn tương đối so với mức bình quân của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 23 thuê bao/100 người.
Bên cạnh đó, VNDIRECT cho rằng công nghệ 5G sẽ là động lực mới trong ngành Công nghệ - Viễn thông. Việt Nam có thể sớm trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ra mắt 5G, trong đó các doanh nghiệp công nghệ viễn thông nội địa đang chạy đua phát triển mạng lưới quốc gia đầu tiên. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia phát triển cơ sở hạ tầng.
Các doanh nghiệp trên sàn hiện có nhiều dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực viễn thông. Với FPT Telecom, bên cạnh việc phát triển thuê bao băng rộng cố định, các mảng Data Center, truyền hình trả tiền sẽ là động lực tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp này. VNDIRECT dự báo mảng dịch vụ truyền thình trả tiền có thể đạt điểm hòa vốn trong năm nay và từ 2022 trở đi có thể có lãi.
Viettel Construction là đơn vị được hưởng lợi nhất từ làn sóng 5G khi là đơn vị thi công và vận hành khai thác hạ tầng viễn thông cho tập đoàn mẹ Viettel. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh lĩnh vực hạ tầng cho thuê (TowerCo) sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận khi xu hướng dùng chung hạ tầng viễn thông ngày càng gia tăng, nhất là khi 5G được triển khai. Ngoài ra, lĩnh vực bổ trợ Giải pháp tích hợp cũng được kỳ vọng tăng trưởng trong xu hướng phổ cập internet, 5G của Việt Nam.
Với CMC, tập đoàn công nghệ này hiện đang có đóng góp lớn nhất từ khối viễn thông khi chiếm khoảng 75% lợi nhuận. Trong năm 2020, CMC đã tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông, phát triển các sản phẩm dịch vụ, Cloud cũng như đầu tư nâng cấp năng lực hạ tầng mở rộng Data Center. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho mảng viễn thông của CMC.
Trong khi đó, Elcom và ITD bên cạnh những lĩnh vực kinh doanh truyền thống được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới nhờ lĩnh vực tự động hóa, giao thông thông minh…
Nhìn chung, ngành viễn thông được dự báo là lĩnh vực giàu tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới khi nhu cầu đầu tư 5G, hạ tầng thông minh, Cloud…tăng mạnh. Đây cũng là nhóm ngành hấp dẫn giới đầu tư với tỷ lệ chi trả cổ tức ổn định. Tuy vậy, nhóm viễn thông không quá sôi động trên thị trường bởi đặc tính thanh khoản thấp cũng như không có quá nhiều doanh nghiệp để lựa chọn đầu tư.