Đây là những gì nhà đầu tư chứng kiến ở mùa báo cáo tài chính của các công ty công nghệ: Tỷ lệ tăng trưởng vượt dự báo đã giảm dần, Intel và Alphabet gặp nhiều thách thức và các nhà sản xuất chip không thể ngăn cản những lời chỉ trích. Thế nhưng, họ lại không thể coi nhóm công nghệ là những cổ phiếu đã hết thời, vì nhóm này đã tăng 33% trong 4 tháng qua. Hiện tại, Nasdaq 100 đã ghi nhận đà tăng chưa từng thấy: 18 lần trong 19 tuần.
Liệu rằng đây có phải bong bóng công nghệ 2.0? Đây là một câu hỏi hợp lý, bởi chỉ số này ảnh hưởng khá lớn tới cả thị trường. Chiếm khoảng 36% của S&P 500, cổ phiếu nhóm công nghệ đang "thống trị" chỉ số này như những gì diễn ra hồi năm 1999. Theo số liệu quý I mới được công bố, thu nhập của Nasdaq đã cao gấp 4 lần so với 20 năm trước.
Chắc chắn rằng, Facebook đang ở trong một trận chiến với các nhà lập quy, còn Google thì đang đối mặt với số lượng quảng cáo sụt giảm - điều khiến giới phân tích thất vọng. Hãy lùi lại một bước, thì chủ yếu những gì bạn thấy là con số lợi nhuận khổng lồ - bao gồm gần 90 tỷ USD trong quý đầu tiên, đó là những gì nhóm Fang và các công ty cùng ngành khác nỗ lực để duy trì.
Kevin Walkusk, giám đốc danh mục đầu tư tại Jensen Investment Management, nhận định: "Các công ty phải đứng trước thách thức về thời gian đã có thể chấp nhận và kết quả là giá cổ phiếu của họ đã tăng, đó là những gì chúng ta đã thấy, bởi họ có kết quả kinh doanh tuyệt vời. Với sự bền bỉ, tăng trưởng và quy mô là những yếu tố thúc đẩy lợi nhuận."
Dù có phải là bong bóng hay không, thì các nhà đầu tư cũng dần không còn hứng thú với nhóm công nghệ. Dù 2 nghìn tỷ USD bị "thổi bay" khỏi thị trường từ cuối tháng 12 năm ngoái, thì Nasdaq 100 cũng đang nỗ lực để để bứt phá lần thứ 10 trong vòng 11 năm. Hiện chỉ có 3 công ty Mỹ được định giá 1 nghìn tỷ USD và đều nằm trong chỉ số này, đó là Microsoft, Apple và Amazon.
Trong mùa báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh hàng quý là "công cụ" để các nhà đầu tư nhận định về lợi nhuận có thể nâng mức định giá hay không. Trong khi đó, những gì họ chứng kiến đều khiến mọi động thái bị chững lại. Ở thời điểm này, lợi nhuận của các công ty không tăng lên, đà hồi phục của Nasdaq vẫn không có gì thay đổi.
Tháng trước, có ít nhất 2 chiến lược gia của Phố Wall đã hạ tín nhiệm cổ phiếu nhóm công nghệ, cho biết rằng đà tăng dẫn đầu thị trường trong năm nay đã đẩy các mức định giá lên cao quá mức và có khả năng sẽ không thể duy trì. Noah Weisberger đến từ Sanford C Bernstein & Co. gọi nhóm cổ phiếu này là "giá quá cao một cách vô lý". Sean Darby của Jefferies cho biết diễn biến của cổ phiếu công nghệ có thể đã vượt ra ngoài những quy luật cơ bản.
Doug Ramsey, giám đốc đầu tư của Leuthold Group, đã so sánh tâm lý ưa chuộng cổ phiếu nhóm công nghệ với hiện tượng "phát cuồng" vì internet của những năm 1990. Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 4, ông đã cảnh báo các nhà đầu tư nên cảnh giác với những cổ phiếu được nhận được lượng mua vào quá lớn, có thể sẽ có thời điểm tất cả mọi người sẽ chốt lời cùng một lúc.
Những chuyên gia này đưa ra lập luận khá hợp lý. 4 tuần trong mùa báo cáo tài chính, lợi nhuận của các công ty công nghệ đã giảm 6,8% trong quý I, trên đà chứng kiến quý tồi tệ nhất kể từ năm 2009. Tăng trưởng đang dần tệ hơn khi các sản phẩm như smartphone đã bước vào giai đoạn "thoái trào", các nhà sản xuất linh kiện như những công ty bán dẫn cũng nhận thấy nhu cầu sụt giảm từ thị trường mục tiêu, trong đó có cả các trung tâm dữ liệu.
Các con số của kết quả kinh doanh đều vượt dự đoán, nhưng thực ra vẫn thấp hơn so với những năm gần đây. Trong số các công ty công nghệ đã công bố, thu nhập của họ cũng đều vượt ước tính là 6%, thấp hơn con số 6,5% trong 2 năm vừa qua. Kết quả về doanh số bán hàng cũng thấp hơn, với tỷ lệ lợi nhuận đạt 0,5%, trong khi đó trước đây là 1,5%.
Phản ứng của các nhà đầu tư là chán nản. Sau khi 5 trong số các công ty lớn nhất của Mỹ công bố kết quả kinh doanh, Alphabet là công ty duy nhất chứng kiến cổ phiếu sụt giảm vào ngày hôm sau. Nasdaq 100 kết thúc tuần với mức tăng 0,2%, phiên ngày thứ Sáu tăng 1,6%.
Nhìn chung, các công ty thuộc Nasdaq 100 đã thu về hơn 460 triệu USD lợi nhuận trong năm ngoái, cao gấp 9 lần so với mức đỉnh ở thời điểm bong bóng internet. Dù ghi nhận con số ấn tượng như vậy, nhưng đà tăng của cổ phiếu trong thời gian này lại chậm hơn nhiều: 66% từ mức đỉnh hồi tháng 3/2000.
Vì vậy, trong khi các công ty như Microsoft cần tới 2 thập kỷ để "trỗi dậy" từ đống sự trì trệ, thì bản thân ngành công nghiệp này lại không ngừng bành trướng. Những xu hướng cải tiến như điện thoại di động, công nghệ đám mây không chỉ tạo điều kiện cho các "bô lão" như Apple và Microsoft, mà còn giúp những "gã khổng lồ" mới nổi như Facebook và Alphabet phát triển.
Ở mức 36%, vốn hoá của Nasdaq theo tỷ lệ phần trăm của S&P 500 vẫn nằm trên mức cộng hưởng lợi nhuận tương đối là 29%, cho thấy mức P/E còn cao hơn nhiều. Dẫu vậy, sự chêch lệch so với những gì đã diễn ra trong năm 2000 vẫn là rất lớn, với 44% vốn hoá và 7% lợi nhuận.