Trong khi thị trường chứng khoán thăng hoa với giao dịch bùng nổ, VN-Index liên tục chinh phục đỉnh mới thì cổ phiếu nhóm Viettel đồng loạt giảm sâu trong vòng 3 tháng qua.
Cổ phiếu CTR của Công trình Viettel (Viettel Construction, UPCoM: CTR ) liên tục giảm giá từ đầu tháng 3 đến nay, giá rớt từ vùng 100.000 đồng/cp về 74.0000 đồng/cp, tức giảm 26%.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VTP của Bưu chính Viettel ( UPCoM: VTP ) giảm từ 114.000 đồng/cp về 85.500 đồng/cp, tức giảm 25%. Có thời điểm cổ phiếu này giảm về 80.000 đồng/cp nhưng sau đó phục hồi nhẹ.
Tương tự, cổ phiếu VGI của Tổng công ty đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI ) cũng giảm từ 43.500 đồng/cp xuống 30.000 đồng/cp, giảm 31% trong vòng 3 tháng qua.
Diễn biến cổ phiếu VTP, CTR, VGI trong 3 tháng qua. Nguồn: Tradingview
Lợi nhuận vẫn tăng trưởng
Xét về hoạt động kinh doanh, Công trình Viettel và Viettel Post đều ghi nhận kết quả khả quan trong quý I, riêng Viettel Global lỗ lớn do ảnh hưởng chính biến tại Myanmar.
Công trình Viettel báo cáo doanh thu quý I tăng 23% lên 1.750 tỷ đồng; lãi sau thuế 72 tỷ đồng, tăng 41%. Hầu hết các nguồn thu của đơn vị đều tăng như xây lắp tăng 23,7%, dịch vụ vận hành khai thác nhà trạm tăng 13%, giải pháp tích hợp và bán hàng thương mại tăng 65%. Đáng chú ý, mảng kinh doanh bất động sản đầu tư tăng đột biến từ 3,4 tỷ quý I/2020 lên 40 tỷ đồng quý này.
Viettel Construction lên kế hoạch gần như đi ngang cho năm 2021 với doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 276 tỷ đồng. Mặc dù thường xuyên vượt kế hoạch năm nhưng các năm trước doanh nghiệp luôn đề ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 8-10%.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Phạm Đình Trường – Tổng giám đốc Công trình Viettel cho biết những rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt năm nay như dịch Covid-19, cơ chế giá điện mặt trời mới chưa được ban hành, mảng xây dựng bị ảnh hưởng bởi giá thép tăng hay chưa thể đấu giá tần số 5G. Song, doanh nghiệp có hợp tác chiến lược với Fecon (FCN) trong lĩnh vực điện gió cũng như phát triển xây dựng B2B. Ngoài ra, Fecon cũng đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp và thuê đơn vị làm tổng thầu triển khai.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng Công trình Viettel sẽ được hưởng lợi từ sự bùng nổ các dự án xây dựng năng lượng tái tái tạo (điện gió). Về trung hạn, CTR tiếp tục theo đuổi mục tiêu công ty sở hữu hạ tầng viễn thông (trạm BTS) số 1 tại Việt Nam.
Đơn vị: tỷ đồng |
Theo BCTC quý I, Viettel Post ghi nhận doanh thu gấp đôi lên 5.158 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng gấp 3,3 lần lên 3.550 tỷ đồng, cung cấp dịch vụ tăng 16% lên 1.608 tỷ đồng.
Tuy nhiên biên lãi gộp mảng bán hàng của doanh nghiệp qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò “mỏng” đạt 0,3%, giảm so với mức 0,7% cùng kỳ năm trước. Mảng dịch vụ chuyển phát ghi nhận biên lợi nhuận 11,2%, giảm so với mức 12,5% cùng kỳ năm trước. Do vậy, lợi nhuận sau thuế của Viettel Post đạt 109 tỷ đồng, tăng 12%.
Theo ban lãnh đạo Viettel Post, nguyên nhân là do các đối thủ tạo ra nhiều chính sách cạnh tranh không lành mạnh để phát triển và duy trì mạng lưới buộc đơn vị cũng phải có chính sách điều chỉnh để giữ và phát triển khách hàng. Song, năm 2021 với việc chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ giảm được lực lượng lao động gián tiếp, giảm chi phí thuê nhà khi nhận chuyển giao cửa hàng trong kênh bán của tập đoàn từ tháng 5.
Bên cạnh đó, việc nhận cửa hàng từ tập đoàn cũng giúp doanh nghiệp tăng doanh thu dịch vụ, riêng năm 2021 là tăng thêm 300 tỷ đồng. Mục tiêu của doanh nghiệp đến năm 2025, doanh thu logistics chiếm trên 50% tổng doanh thu, tăng từ mức 17% của 2021 (số kế hoạch).
Năm nay, doanh nghiệp logistics đặt kế hoạch doanh thu tăng 24% lên 21.420 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên 496 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp tự tin về kế hoạch lợi nhuận nhưng doanh thu thì phụ thuộc 3 yếu tố gồm hoạt động của Chính phủ về hạn chế sự cạnh tranh phá giá thị trường của doanh nghiệp chuyển phát, phục hồi kinh tế và nguồn cung hàng hóa trên thị trường.
Cả Viettel Construction và Viettel Post đều lên kế hoạch chuyển niêm yết lên HoSE trong năm nay.
Viettel Global báo cáo doanh thu trong quý I tăng 7% lên 4.628 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 37,8% lên 41,3%. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng 18,5% lên 1.900 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm phân nửa xuống 519 tỷ đồng.
Song, hoạt động liên doanh liên kết lỗ 1.088 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 679 tỷ đồng đã khiến doanh nghiệp lỗ ròng 661 tỷ đồng trong quý I.
Viettel Global lý giải doanh nghiệp gặp bất lợi về tỷ giá, lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ của công ty liên kết lên đến 1.845 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng tính hình chính biến ở Myanmar trong khi các thị trường khác khả quan như Tanzania tăng 29%, Cambodia tăng 9%, Burundi tăng 9%, Mozabique tăng 6%, Haiti tăng 4%.