Diễn biến giao dịch của HPG trong thời gian gần đây
Trước những diễn biến đầy tiêu cực của thị trường HPG, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy. Nhưng mức độ điều chỉnh khá “nhẹ nhàng”, xét theo khung thời gian 3 tháng trở lại đây, HPG chỉ mất gần 20%. Nhờ nhịp tăng giảm xen kẽ nên HPG tránh được tình trạng bán tháo trong suốt thời gian qua.
Hoạt động giao dịch vẫn diễn ra sôi động trong điều kiện thanh khoản thị trường ngày càng cạn kiệt. Chốt phiên cuối tuần qua, HPG giữ được mức giá 35.600 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch trung bình đạt 4,4 triệu đơn vị/phiên. Con số này không thấp hơn nhiều so với thanh khoản trung bình của 1 tháng và 3 tháng trở lại đây là 5,2 và 4,8 triệu đơn vị/phiên.
Về mặt thị trường điều này được giải thích nhờ tính đa dạng trong cơ cấu cổ đông của HPG. Được đánh giá là cổ phiếu đầu ngành và cơ bản tốt, nên rất nhiều các quỹ đầu tư trong và ngoài nước có mặt trong danh sách cổ đông. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia nắm giữ HPG trong thời gian dài là khá lớn. Nên với mức độ giảm giá của HPG trong thời gian qua sẽ chỉ làm giảm bớt lợi nhuận chứ chưa đến mức cắt lỗ với nhà đầu tư. Từ đó, quá trình điều chỉnh đã không xảy ra hiện tượng bán tháo như các cổ phiếu ngân hàng.
Vậy nhà đầu tư dài hạn bán cổ phiếu khi nào? Khi các yếu tố nội tại của bản thân doanh nghiệp hay những yếu tố về triển vọng toàn ngành chuyển sang trạng thái tiêu cực. Nhưng những tín hiệu này có độ trễ về thời gian khá lớn, từ đó gây ra những thiệt hại không lường không kiểm soát được. Để khắc phục những yếu điểm này, nhà đầu tư dài hạn thường kết hợp với các tín hiệu kỹ thuật. Trong đó, các chỉ báo thể hiện xu hướng của cổ phiếu như các đường MA dài ngày được dùng khá phổ biến.
HPG đã trải qua chu kỳ tăng giá kéo dài từ đầu năm 2016 đến quý I/2018. Trong suốt giai đoạn này, đường MA200 được xem như là đường xu hướng tăng dài hạn của HPG, khi chưa một lần nào đường giá xuống dưới đường MA trên. Nhưng điều này đã thay đổi, ngày 5/7/2018, đường giá bắt đầu cắt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng này. Đến ngày 10/7/2018 thì HPG đã chính thức đánh mất ngưỡng MA 200. Điều cảnh báo cho xu hướng tăng diễn ra từ 2016 đến hiện tại có thể bị phá vỡ.
Tuy vậy, với những diễn biến tiêu cực “quá đà” của thị trường, hiện tượng bán tháo diễn ra liên tục ở nhiều cổ phiếu thì việc HPG “nhúng” xuống dưới đường MA 200 có thể hiểu được. Nhưng những lo lắng sẽ không thừa nếu trong thời gian tới đường giá không thể hồi phục trở lại trên chỉ báo xu hướng kể trên.
Ngoài ra, một điểm khiến nhà đầu tư khá lo lắng là quá trình tăng vốn khá nhanh của HPG trong thời gian qua. Nếu tăng trưởng về vốn đi kèm với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thì lợi ích của cổ đông sẽ được tăng theo cấp số nhân. Nhưng quá trình này tăng quá nhanh trong khi các chỉ tiêu khác không theo kịp thì áp lực của doanh thu trong tương lai sẽ càng lớn.
Năm 2015, vốn điều lệ của HPG giữ ở mức 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận 3.500 tỷ đồng. Ba năm sau, HPG có vốn điều lệ hơn 21.200 tỷ đồng, cùng với kế hoạch lợi nhuận cho năm 2018 là 8.050 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh vẫn giữ trạng thái ổn định
Năm 2017, HPG ghi nhận sản lượng tiêu thụ ở mức cao kỷ lục, đạt 2,2 triệu tấn thép xây dựng, 600 ngàn tấn ống thép, và 200 ngàn tấn tôn mạ vừa được đưa vào sản xuất trong năm. Từ đó, HPG tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu trong thị trường thép xây dựng với 24% thị phần, và thị trường ống thép với 26,4% thị phần cả nước.
Bước sang năm 2018, các nhà phân tích chứng khoán HSC dự báo doanh thu thuần đạt 65.091 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.525 tỷ đồng, tăng trưởng 18,8% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu từ thép rơi vào khoảng gần 56.500 tỷ đồng. Đồng thời, dự báo sản lượng tiêu thụ tôn đạt 300.000 tấn, tạo doanh thu thuần đạt 6.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh thu và lợi nhuận từ dự án bất động sản Mandarin Garden 2 sẽ được hạch toán phần lớn trong năm nay. Cụ thể, HPG đã hạch toán khoảng 15-20% doanh thu và lợi nhuận từ dự án Mandarin Garden 2 trong năm 2017. Phần còn lại 80-85% doanh thu và lợi nhuận sẽ được hạch toán trong năm 2018. Ước tính, doanh thu và LNST từ dự án này trong năm 2018 lần lượt sẽ là 1.300 tỷ đồng và 450 tỷ đồng.
Tương lai dài hơn, công suất của HPG sẽ tăng 3,5 lần sau khi Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động. Tổng công suất sản xuất thép của HPG có thể đạt tối đa 7 triệu tấn/năm. Vị trí của Dung Quất sẽ giúp HPG chiếm được thị phần miền Nam với chi phí vận chuyển giảm mạnh so với hiện nay.
Theo đánh giá của các nhà phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVS), giá thành sản xuất của Dung Quất sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp thép miền Nam. Với công nghệ lò cao tương tự như khu liên hợp Hải Dương, và quy mô sản xuất lớn hơn rất nhiều, vị trí cảng nước sâu giúp giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt và than coke… giá thành sản xuất thép của Dung Quất có thể tương đương với Khu liên hợp Hải Dương hiện tại – đồng nghĩa với việc thấp hơn khoảng 10% - 20% so với bình quân ngành thép hiện nay.
Việc tự sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC) trong giai đoạn 2 của Khu liên hợp sẽ giúp HPG hoàn thiện được toàn bộ quy trình khép kín trong sản xuất thép. Khoảng 50% sản lượng HRC trong giai đoạn này đã được tiêu thụ nội bộ cho tôn mạ màu (400.000 tấn/năm) và ống thép (800.000 tấn/năm) do đó hiệu quả của dự án là rất hứa hẹn.
Dự báo về lợi nhuận, nhà phân tích BVSC cho rằng con số này có thể gấp đôi trong vòng 2 năm tới. Ước tính lợi nhuận 2020 có thể đạt 17.951 tỷ VNĐ, tăng gần gấp đôi so với 2018.