Trong tháng 10 và 11/2019, bà Đỗ Thị Kim Liên - còn được biết đến là Shark Liên trong chương trình Shark Tank Việt Nam - đã liên tiếp rút khỏi vị trí Tổng giám đốc của CTCP Nước Aqua One và CTCP Nước mặt Sông Đuống.
Nước Aqua One hiện là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 41% cổ phần của Nước Sông Đuống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đầu tư vào một số doanh nghiệp nước sạch khác.
Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Thay thế vị trí Tổng giám đốc của bà Liên tại cả 2 công ty là ông Tạ Đức Hoàng (sinh năm 1980).
Thay đổi đăng ký kinh doanh mới nhất của Nước Sông Đuống cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong ban lãnh đạo của công ty sau khi doanh nghiệp Thái Lan WHAUP đã mua lại 34% cổ phần.
Theo đó phía Thái Lan có 3 đại diện trong Hội đồng quản trị và 1 đại diện trong Ban kiểm soát của nước Sông Đuống.
Đặc biệt, cơ cấu cổ đông của Công ty Nước mặt Sông Đuống xuất hiện nhiều cá nhân có quốc tịch Thái Lan: Ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát; Bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.
Những xáo trộn liên tục về cơ cấu cổ đông
Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 8/6/2016 với các cổ đông sáng lập ban đầu gồm Vietinbank Capital (58%), VIAC (No1) Limited Partnership (27%) cùng 2 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước là Công ty Nước sạch Hà Nội - Hawaco (10%) và Công ty Newtatco (5%).
Trong khi 2 cổ đông nhà nước vẫn giữ nguyên vốn cho đến nay thì 85% cổ phần còn lại của Nước Sông Đuống đã khá nhiều lần thay tên đổi chủ trong 3 năm qua.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vietinbank Capital chỉ là bên nhận ủy thác vốn của nhà đầu tư khác - hiểu nôm na là đứng tên hộ, toàn bộ quyền và lợi ích thuộc về bên ủy thác theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên.
Còn VIAC (No1) Limited Partership là đơn vị đầu tư trực thuộc CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman, một liên doanh giữa SCIC và Quỹ đầu tư của chính phủ Oman.
Đến cuối năm 2018, toàn bộ 85% cổ phần do Vietinbank Capital và VIAC nắm giữ đang sang tên cho 3 cổ đông mới là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (30%), Công ty Cổ phần Nước Aqua One (45%) và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Sài Gòn (10%).
Aqua One mới trực tiếp sở hữu cổ phần của Sông Đuống từ cuối năm 2018
Tương tự như Vietinbank Capital, CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (Saigon Capital) cũng là bên nhận ủy thác. Báo cáo tài chính của Saigon Capital cho thấy công ty này đã nhận ủy thác 10 triệu cổ phiếu với mức giá 35.000 đồng/cp.
Đến tháng 8/2018 - trước khi phía WHAUP mua cổ phần của Nước Sông Đuống thì cơ cấu cổ đông gồm có Aqua One (41%), ông Đỗ Tất Thắng (34%), Saigon Capital (10%), Hawaco (10%) và Newtatco (5%).
Cơ cấu cổ đông của Sông Đuống khi WHAUP đầu tư
WHAUP đã mua lại 34% cổ phần của Nước Sông Đuống từ ông Đỗ Tất Thắng - một thành viên HĐQT của công ty - với tổng giá trị là 2.073 tỷ đồng, tương ứng giá mua xấp xỉ 61.000 đồng/cp và định giá Công ty Nước mặt Sông Đuống ở mức giá 6.100 tỷ đồng.
Như vậy chỉ sau 3 năm thành lập và ngay trước khi giai đoạn 1 của Nhà máy đi vào hoạt động, cổ phiếu của Nước Sông Đuống đã tăng gấp 6 lần.
Hiện tại, dư luận đang rất quan tâm đến việc nhà máy nước Sông Đuống được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận giá mua nước tạm tính lên tới 10.246 đồng/m3, gấp đôi so với các nhà cung cấp khác, thậm chí đắt hơn cả giá nước bán lẻ trên thị trường hiện nay.