Trước đó, để phòng chống dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu các hãng hàng không chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc và đường bay TP.HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc từ ngày 30/3. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngoài 4 sân bay tiếp tục hoạt động hạn chế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc; thì 18 sân bay còn lại coi như…“đóng cửa”. Các hãng hàng không vì thế càng thêm “sấp mặt” khi vẫn phải oằn lưng chịu các loại chi phí, duy trì bộ máy vận hành, lương, bảo dưỡng, sân đỗ... lên tới vài trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.
Các hãng bay là mắt xích yếu nhất trong ngành hàng không chịu tổn thương vì Covid-19 (Ảnh: IT)
Tại Vietnam Airlines, đội máy bay của hãng hàng không quốc gia hiện nay là 108 chiếc, gồm 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350 có số tiền thuê khoảng 1 triệu USD/chiếc, tương đương khoản phí gần 30 triệu USD/tháng. Cùng với 76 máy bay A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300.000 USD/tháng... Cộng lại có thể thấy được riêng với tiền thuê, khoản chi hàng tháng mà Vietnam Airlines phải chi trả “khổng lồ” thế nào.
Tương tự, với 75 tàu A320, A321 đang khai thác, Vietjet Air phải trả lên tới 20 triệu USD/tháng. Hay Bamboo Airways cũng phải chi trả cho đội máy bay 3 chiếc B787, 7 chiếc A321, 11 chiếc A320 và 1 chiếc A319 của hãng số tiền không nhỏ mỗi tháng.
Ngoài chi phí thuê máy bay, các hãng hàng không còn phải trả hàng chục tỷ đồng tiền sân đỗ, như Vietnam Airlines trên 6 tỷ đồng/tháng, Vietjet ít hơn khoảng 3,6 tỷ đồng/tháng và Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng/tháng...
Thống kê sơ bộ như thế để thấy rằng khi rơi vào tình trạng “bất khả kháng” là buộc phải hạn chế bay, gánh nặng với các hãng hàng không trở nên khủng khiếp thế nào. Thế nên, không có gì là ngạc nhiên khi giá cổ phiếu hàng loạt hãng bay đã “bốc hơi” lên đến hơn 30% chỉ trong vòng hơn 2 tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trong phiên giao dịch hôm nay 9/4, cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) giao dịch ở mức giá 20.650 đồng/CP, tăng 850 đồng/CP (+4,29%) so với phiên giao dịch trước. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, cổ phiếu HVN đã “bốc hơi” gần 40%, từ mức giá 34.300 đồng/CP về mức giá hiện tại. Mới đây, theo báo cáo từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của tổng công ty này ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ vào khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay số tiền này đã cạn kiệt. Tổng công ty này đang phải gia tăng vay nợ ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3/2020 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm ngừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
“Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ nhà nước khoảng 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020”, báo cáo từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nêu rõ.
Với Vietjet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, kết thúc phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VJC ở mức giá 102.000 đồng/CP. So với mức giá 145.000 đồng/CP cách nay hai tháng, cổ phiếu VJC hiện đã “bốc hơi” khoảng 30% giá trị. Hiện VJC chưa có thông báo về khả năng thua lỗ của mình trong năm nay vì dịch Covid-19, nhưng đã đưa ra dự báo bị sụt giảm doanh thu khoảng 30-50% trong quý 1 này.
Việc giá cổ phiếu các hãng bay “bốc hơi” mạnh, trở thành mắt xích yếu nhất trong ngành hàng không dưới tác động của dịch Covid-19, một phần đến từ nguyên nhân là biên lợi nhuận khá mỏng, nợ vay lớn.
Theo thống kê, DN vận tải hàng không lại là mảng có biên lợi nhuận gộp mỏng nhất, trung bình từ 11 - 15%. Trong khi biên lợi nhuận của các DN dịch vụ phụ trợ lại lớn hơn nhiều, chẳng hạn, DN suất ăn hàng không (Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài - mã: NCS và Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng - mã: MAS…) đạt mức biên lợi nhuận gộp trong khoảng từ 15-25%; Các DN khác như Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (mã: NCT), Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (mã: NAS) và Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Mã: SAS)… đều có tỉ suất sinh lời lên đến xấp xỉ 50%.
Còn theo một báo cáo mới nhất từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ước tính thiệt hại tới doanh thu của các hãng hàng không đã điều chỉnh tăng từ mức 10.000 tỷ đồng (sau khi dừng các đường bay tới Trung Quốc) lên 25.000 tỷ đồng (cuối tháng 2 khi dịch bệnh bùng phát mạnh ngoài Trung Quốc), và lên khoảng hơn 30.000 tỷ đồng (giữa tháng 3) và gần đây nhất là có thể lên tới 65.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, VDSC cũng dự báo, thị trường hàng không thường sẽ mất khoảng 6-7 tháng để phục hồi về mức trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Các hãng hàng không mong muốn được giảm 50 - 70% đối với các loại phí: Phí cất hạ cánh; phí điều hành bay trong cả năm 2020 (tiết giảm được trên 1.500 tỷ đồng), được miễn phí bãi đỗ trong năm 2020. Đồng thời, để kích cầu nội địa khi hết dịch, có hãng hàng không tư nhân đề nghị miễn phí phục vụ hành khách đối với các chuyến bay nội địa và giảm 50% đối với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng. Hiện loại phí này đang trên 10.000 tỷ đồng/năm, các hãng hàng không thu hộ qua vé cho ACV. Các hãng bay cũng mong muốn được giảm từ 0 đến 50% trong 12 tháng đối với các loại phí dịch vụ mặt đất thuộc thẩm quyền của ACV và đơn vị thành viên ACV. Ngoài ra, để giảm khó khăn, các hãng mong muốn được gia hạn nộp thuế, phí từ 6 tháng đến 1 năm. |