Giá bán nhiều loại phân tăng sốc
Với đà tăng của giá nguyên liệu đầu vào như dầu, khí gas thời gian qua, giá các loại phân bón cũng được điều chỉnh tăng mạnh tính từ đầu năm. Theo thống kê của Người Đồng Hành, giá phân urê Cà Mau ngày 2/3 bình quân đạt 475.000 đồng/bao (mỗi bao 50 kg), tăng 19% so đầu tháng 2 và tăng 28% so với đầu năm. Phân urê Phú Mỹ giá 470.000 đồng/bao, tăng lần lượt 20% và 29%.
Tương tự, giá phân DAP cũng tăng rất mạnh, DAP Hồng Hà đã tăng 29% và DAP Đình Vũ tăng 12% so với đầu năm. Giá phân lân không thay đổi nhiều trong tháng 1 nhưng nhảy vọt vào tháng 2, tăng 30.000-40.000 đồng/bao, tương đương mức tăng 17-31%.
Riêng NPK tăng không đáng kể, khoảng 3-4% trong 2 tháng qua. Trao đổi với Người Đồng Hành, lãnh đạo một công ty phân bón cho biết mặc dù giá phân trên thị trường tăng mạnh nhưng sản phẩm đơn vị bán ra chưa tăng nhiều nhờ dự trữ lượng nguyên vật liệu giá thấp lớn dù diễn biến giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh trên 10% và còn tiếp tục tăng.
Đơn vị: đồng/bao (mỗi bao 50 kg)
Với công suất thiết kế 2,7 triệu tấn, Việt Nam tự chủ được về urê nhưng các loại phân bón khác như DAP, NPK, kali sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu. Việc phân DAP tăng mạnh thời gian qua đã gây ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu phân bón về Việt Nam tháng 1 giảm 9% về lượng và 12% về giá trị, đạt 322.000 tấn và 84,6 triệu USD. Nguyên nhân là do giá phân bón thế giới tăng mạnh và vấn đề vận chuyển khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước diễn biến giá phân tăng mạnh thời gian qua, cổ phiếu nhóm ngành phân bón “dậy sóng”. Cổ phiếu BFC của Phân bón Bình Điền ghi nhận mức tăng giá 33% trong vòng 1 tháng từ vùng 15.000 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp, DCM của Đạm Cà Mau tăng từ vùng 12.000 đồng/cp lên 15.000 đồng/cp, tăng 25%, DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 22%, LAS của Hóa chất Lâm Thao tăng 25%.
Cổ phiếu DDV của DAP Vinachem tăng mạnh nhất 49%, nhiều phiên gần đây tăng trần. Sản phẩm chính của DAP Vinachem là phân DAP, axit sulfuric 98%, axit photphoric 52%.
DGC của Hóa chất Đức Giang, doanh nghiệp với 40% doanh thu là phân bón, 40% là hóa chất với nhiều sản phẩm đầu vào cho sản xuất phân bón, tăng 42% trong 1 tháng qua, lên 68.000 đồng/cp.
Nhu cầu dự báo tăng do thời tiết thuận lợi và giá nông sản tăng
Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán FPTS, năm 2021, dự báo thời tiết thuận lợi. La Nina (gây mưa nhiều) có thể duy trì trong những tháng cuối năm 2020 và kéo dài đến tháng 4-5/2021, thời điểm màa khô tại các vùng miền trên cả nước. Điều này sẽ giúp giảm tác động hạn hán và xâm nhập mặn tại các khu vực phía Nam Việt Nam. Từ tháng 5-6, thời tiết được dự báo ở trạng thái trung tính với xác xuất cao và có khả năng kéo dài đến tháng 9-10 thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Theo đó, diện tích canh tác nông nghiệp kỳ vọng gia tăng trong năm 2021 và thúc đẩy nhu cầu phân bón.
Đồng thời, giá nông sản thế giới tăng mạnh cho thấy nhu cầu tích trữ lương thực trong thời kỳ dịch bệnh toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng 45% đạt 516 USD/tấn vào cuối tháng 12, mức cao nhất 5 năm.
Báo cáo FPTS dẫn dự báo của Agromonitor, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 có thể đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5%. Tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng như DAP tăng 12%, lân tăng 9%, NPK tăng 5%, riêng urê dự kiến ổn định tăng 0,5%. Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước, sẽ hồi phục 4-6% nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi, giảm hạn hán và nạn xâm nhập mặn.
Lãnh đạo công ty phân bón NPK tiết lộ sản lượng bán ra của đơn vị khá khả quan, doanh thu 2 tháng đầu năm ước gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngay ngày làm việc đầu năm Tân Sửu (17/2), Đạm Cà Mau cho biết đã bán gần 2.350 tấn sản phẩm, là một con số ấn tượng và kỳ vọng năm 2021 sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu như năm 2020, các doanh nghiệp phân bón ghi nhận lợi nhuận đột biến nhờ hưởng lợi giá nguyên liệu thì năm 2021 khó đạt được. Giá dầu tăng mạnh thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp phân đạm. Cụ thể, giá dầu brent đạt 65 USD/thùng, gần gấp đôi vùng giá tháng 11 và tăng 30% tính từ đầu năm. Đà phục hồi mạnh của giá dầu đến từ việc OPEC+ cắt giảm nguồn cung sâu, sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ giảm đột ngột do bão tuyết khắc nghiệt ở Texas và nhu cầu phục hồi dần nhờ vắc xin Covid-19 bắt đầu sử dụng rộng rãi.
Giá khí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân urê như Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ được neo theo diễn biến giá dầu FO trên thế giới, trong khi doanh nghiệp sản xuất NPK như Phân bón Bình Điền, LAS chi phí đầu vào phụ thuộc vào giá của các loại phân đơn.