CTCK VNDIRECT vừa công bố báo cáo ngành phân bón với những kỳ vọng về sự phục hồi và hỗ trợ về chính sách. Theo VNDIRECT, động lực của ngành trong giai đoạn 2018-19 chủ yếu đến từ sự thay đổi chính sách thuế GTGT hỗ trợ cho toàn ngành, và thông tin thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phân bón.
Thay đổi chính sách thuế GTGT có thể cải thiện triển vọng ngành
VNDIRECT cho rằng động lực tăng trưởng chính của ngành Phân bón trong 2019 là thay đổi chính sách thuế GTGT, cho phép các DN sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào. Với chính sách hiện tại, phân bón được miễn thuế GTGT và các DN sản xuất phải ghi nhận thuế GTGT cho nguyên liệu đầu vào trong giá vốn hàng bán. Với chính sách mới, phân bón sẽ chịu mức thuế 5% nhưng nhà sản xuất có thể khấu trừ thuế đầu vào tương ứng, từ đó giảm giá vốn hàng bán và tăng biên lợi nhuận.
Mức tăng của biên LN gộp phụ thuộc vào: (1) tỷ lệ giá vốn hàng bán phải chịu thuế GTGT đầu vào của mỗi doanh nghiệp, và (2) mức thuế GTGT áp dụng với từng loại nguyên liệu đầu vào.
Dựa trên cơ cấu giá vốn hàng bán, VNDIRECT cho rằng các nhà sản xuất phân đơn như DPM, DCM, LAS, VAF sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ thay đổi chính sách so với các nhà sản xuất phân phức hợp như SFG, BFC, do tỷ lệ giá vốn hàng bán chịu thuế GTGT của các DN này cao hơn (thường trên 50%). Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm phân phức hợp chính là các loại phân đơn, hiện đang không chịu thuế GTGT.
Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào chủ yếu của các DN sản xuất ure như khí, điện chịu thuế 10%, cao hơn mức 5% áp dụng cho phần lớn nguyên liệu đầu vào sản xuất phân lân (như các loại quặng). Do đó các DN sản xuất ure như DPM và DCM sẽ nhận được mức thuế khấu trừ cao hơn so với các DN sản xuất phân bón khác.
Vì sự thay đổi chính sách thuế GTGT sẽ ảnh hưởng đến toàn thị trường và nhu cầu phân bón phản ứng khá chậm với giá nên chúng tôi giả định người nông dân sẽ phải chịu toàn bộ thuế đầu ra (tương ứng với việc các nhà sản xuất tăng giá bán). Tuy nhiên, các doanh nghiệp dẫn đầu với thị phần lớn, thương hiệu tốt, có quyền quyết định giá nhất định như DPM, DCM, LAS và BFC sẽ có lợi thế hơn trong việc điều chỉnh giá bán trong trường hợp giá tăng có thể ảnh hưởng đến sản lượng.
Cổ phiếu phân bón hồi phục khá tốt thời gian gần đây
Ngành phân bón đang trên đà phục hồi
Trong giai đoạn 2015-2016, thời tiết khó khăn, đặc biệt là dưới tác động của hiện tượng El Nino, đã gây ra hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại miền Nam, khu vực chiếm hơn 30% đất nông nghiệp của cả nước. Do đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng khá khiêm tốn ở mức 0,72% so với mức trung bình 2-3%/năm trong giai đoạn 2010-2015, dẫn đến lượng tiêu thụ phân bón giảm 5% trong năm 2016.
Kể từ năm 2017, nhu cầu và giá phân bón bắt đầu phục hồi từ mức thấp do (1) điều kiện thời tiết cải thiện với sự kết thúc của El Nino và xuất hiện La Nina cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, dẫn đến mưa nhiều; điều này giúp cho nhu cầu nông nghiệp dần phục hồi, và (2) Giá bán bình quân của phân bón tăng một phần do nhu cầu cải thiện và phần lớn do giá nguyên liệu tăng, đặc biệt là ure, do giá khí và than đá (chiếm đến 60-70% tổng chi phí sản xuất) tăng.
VNDIRECT dự báo nhu cầu phân bón sẽ duy trì tăng trưởng kép ~2% trong giai đoạn 2018-2020, thấp hơn mức tăng trưởng kép 2,6% trong giai đoạn 2011- 2015, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản (trên cơ sở dân số tăng trưởng ~1%/năm, theo dự báo của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới).
Giá bán phân bón khó có thể tăng mạnh do thị trường vẫn đang dư cung
Theo số liệu từ Bộ Công Thương (MOIT), các nhà sản xuất trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu phân bón nội địa, trong đó phân bón ure, NPK và lân đều dư cung nhẹ. VNDIRECT dự báo Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu với các loại phân kali (K), amoni sunfat (SA) and diamoni photphat (DAP) do trong nước không có nhà máy/nguyên liệu sản xuất các sản phẩm này. Tuy nhiên, với các loại phân bón phổ biến nhất là ure, supe lân và NPK, tình trạng dư cung vẫn sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2018-2020.
VNDIRECT cho rằng giá bán trung bình tuy vẫn tăng nhưng mức độ tăng không cao do: (1) dư cung trên thị trường, (2) tăng trưởng diện tích đất nông nghiệp thấp, và (3) mật độ sử dụng phân bón/hecta đã ở mức cao (lượng phân bón sử dụng trên mỗi ha đất canh tác cao hơn trung bình của các nước trong khu vực và toàn cầu, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới). Ngoài ra, cạnh tranh gia tăng trên thị trường, đặc biệt là mảng phân bón NPK (do nguồn cung mới), sẽ ảnh hưởng đến mức tăng của giá bán bình quân.