Biến động của một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay, đều ghi nhận sụt giảm mạnh về thị giá, với những mã chứng khoán tiêu biểu của các doanh nghiệp (DN) như: SAB, Vietnam Airlines, Becamex, Vietjet, BIDV, Vinamilk, Thế giới Di động… Trong đó, sụt giảm mạnh nhất, tính đến thời điểm hiện tại là Sabeco (HoSE: SAB).
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi bị "bốc hơn" hơn 2,87 tỷ USD với khoản đầu tư tại Sabeco vì Nghị định 100 và Covid-19 (Ảnh: IT)
Cụ thể, Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1 đã khiến cổ phiếu SAB sụt giảm mạnh vì quy định cấm sử dụng bia rượu khi lái xe; sau đó là dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả tại Việt Nam, kể từ phiên giao dịch sau tết Nguyên đán 2020 đến nay, cổ phiếu Sabeco ghi nhận mức giảm sâu tới 46%, đứng đầu danh sách các cổ phiếu lớn. Theo đó, tính đến phiên 20/3, thị giá SAB chỉ còn 126.000 đồng/CP, tương đương mức vốn hóa chỉ còn 80.801 tỷ đồng (hơn 3,4 tỷ USD).
Như vậy, so với mức giá 320.000 đồng/CP mà tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi bỏ ra hồi cuối năm 2017, tương ứng tổng số tiền bỏ ra là gần 5 tỷ USD chi để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco, khoản đầu tư của Thaibev đến nay đã "bốc hơi" hơn nửa giá trị. Theo đó, với mức mất giá khoảng 194.000 đồng/CP, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage đang nắm 343.642.587 cổ phiếu (tỷ lệ 53,59% vốn), đã mất khoảng 66.666 tỷ đồng, tương ứng mất hơn 2,87 tỷ USD sau hơn 2 năm.
Giá trị cổ phiếu SAB giảm mạnh nhất từ đầu năm 2020 đến nay
Tuy nhiên, mới đây Sabeco đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ chi trả 35%/mệnh giá cổ phiếu, tương ứng 3.500 đồng/cổ phiếu. Với 641,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sabeco đã chi 2.245 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Vietnam Beverage đã nhận 1.200 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, doanh thu thuần của Sabeco là 37.899 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong năm là 5.370 tỷ đồng cả năm, tăng 22% so với 2018 và là mức lãi ròng kỷ lục từ trước đến nay của Sabeco.
Tuy nhiên, sang năm 2020, Sabeco và nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối rượu bia khác tại Việt Nam đang đứng trước thách thức về tăng trưởng trong bối cảnh Nghị định 100 (quy định cấm lái xe sau khi uống bia) chính thức có hiệu lực và mức phạt dành cho người tham gia giao thông có nồng độ trong hơi thở rất nặng. Kèm theo đó, dịch Covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp khiến tình hình kinh doanh ngành bia rượu càng trở nên khó khăn hơn.
Mới nhất, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có công văn gửi Thủ tướng cùng Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tư pháp… kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát. Theo VBA, từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100 nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Ngành bia rượu cũng đề nghị được "giải cứu"
Theo đó, hai tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của các DN trong ngành đều sụt giảm mặc dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội.
“Nhiều DN giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50% trong hai tháng vừa qua. Nhiều hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ 2019… đã tác động tiêu cực làm giảm doanh thu, các DN nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn”, VBA cho biết.
Quan trọng hơn, việc giảm lượng tiêu thụ bia, rượu không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các đối tác và các nhà cung cấp, nhà hàng và quán ăn... dẫn đến hàng vạn người lao động không có việc làm, nhất là ở khu vực kinh doanh dịch vụ, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt, khi sản lượng tiêu thụ giảm thì doanh thu cũng bị giảm. Doanh thu giảm dẫn đến các khoản thuế như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... cũng bị giảm sút một cách trầm trọng.
“Theo dự báo, việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30 ngàn tỷ đồng trong năm 2020 bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia”, VBA nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong ngành, VBA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế, phí tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, các tổ chức kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian tới để các DN ổn định yên tâm đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích DN và tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Đối với Nghị định 100, VBA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thông lệ quốc tế.
“Chính phủ nên xem xét lại mức xử phạt hiện nay vì mức phạt này là quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, đặc biệt là mức phạt đối với xe máy, phương tiện giao thông rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi không có các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt... Xem xét bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với những người đi xe máy vi phạm lần đầu với nồng độ cồn thấp như quy định trước đây của Chính phủ”, VBA kiến nghị.