Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đi cùng việc giãn cách đang gây không ít khó khăn đến hoạt động kinh doanh của đa số doanh nghiệp nói chung, đặc biệt mảng F&B nói riêng. Là doanh nghiệp đứng đầu thị phần bia tại Việt Nam, triển vọng của Sabeco một lần nữa bị thách thức bởi đại dịch, sau rất nhiều nỗ lực cải thiện hiệu suất kinh doanh của ban lãnh đạo từ đầu năm 2020.
Trên thị trường, sự bi quan đã và đang phản ánh lên giao dịch cổ phiếu SAB khi thị giá liên tục giảm sút, giảm 23% từ mức 190.000 đồng/cp đầu năm giảm còn 147.000 đồng/cp (chốt phiên 30/8/2021).
Như vậy, so với mức giá 320.000 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền bỏ ra là gần 5 tỷ USD chi để thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco, khoản đầu tư của Thaibev vào cuối năm 2017 đến nay đã "bốc hơi" hơn nửa giá trị.
Được biết, mức giá kỷ lục Thaibev chi mua Sabeco vào cuối năm 2017 được tính toán dựa trên thu nhập lịch sử, vị thế tài chính, kinh nghiệm quản lý, sự tăng trưởng trong tương lai và tiềm năng của thị trường. Lúc bấy giờ, Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333. Ngoài ra, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN.
ThaiBev cũng đánh giá Việt nam là thị trường tiềm năng cho ngành bia, lớn thứ ba tại Châu Á và chỉ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, vụ thâu tóm này sẽ giúp Tập đoàn đa dạng hóa thị trường về mặt địa lý; giúp hãng mở rộng khu vực và có được mạng lưới phân phối lớn ở Việt Nam.
Dĩ nhiên, hiệu quả đầu tư của Thaibev không nên chỉ nhìn nhận ở khía cạnh chênh lệch thị giá, mà còn là chiến lược lâu dài của ông lớn Thái đối với mảng bia toàn Tập đoàn, đặc biệt tại khu vực ASEAN nói chung. Cuối năm 2020, ThaiBev cũng chính thức đánh tiếng gom Sabeco và mảng bia tại Thái Lan để tiến hành IPO với định giá lên đến 10 tỷ USD.
Về Sabeco, sau khi Thaibev nắm quyền chi phối đã thực hiện rất nhiều công cuộc cải cách, kết quả tình hình kinh doanh cải thiện trong giai đoạn 2018-2019. Song bước sang năm 2020, những tình huống ‘khó đỡ’ từ Nghị định 100 và kế tiếp là dịch Covid-19 đang tạo thế khó khăn kép cho Sabeco.
Ứng phó, Công ty đã thực hiện cơ cấu sản phẩm/giá bán trung bình, chủ động hedging giá nguyên liệu, củng cố danh mục…Sang năm 2021, Sabeco cũng nhấn mạnh ưu tiên tìm kiếm các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho người lao động của SAB trên toàn quốc.
Với những nỗ lực trên, luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Công ty vào mức 13.165 tỷ đồng, vẫn tăng nhẹ 9%. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế hơn 2.057 tỷ đồng, tăng 6%.
Trong kỳ, Công ty cũng ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn hơn 31 tỷ đồng. Theo SAB, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp toàn diện để tối ưu việc quản lý kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, từ đó góp phần giảm thiểu ảnh hưởng từ làn sóng thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Về dài hạn, động thái liên tục tung dòng bia mới, đòn đầu xu hướng cao cấp hóa sản phẩm của Sabeco được giới phân tích đánh giá cao, có thể giúp Công ty gia tăng thị phần. Đặc biệt, kết quả bán hàng ban đầu tích cực của sản phẩm Saigon Chill, nhắm đến nhóm đối tượng khách hàng trẻ được kỳ vọng sẽ củng cố tốt thị phần và biên lợi nhuận của Sabeco trong tương lai nhờ định vị sản phẩm cao cấp hơn của thương hiệu Saigon Chill so với các sản phẩm cốt lõi hiệu hữu.