Cổ phiếu STB của Sacombank đang gây chú ý trong những phiên giao dịch đầu năm 2022 khi liên tục ghi nhận thanh khoản ở mức cao.
Tính chung 9 phiên giao dịch đầu năm, có tổng cộng hơn 335 triệu cổ phiếu STB được ''sang tay'' giữa các nhà đầu tư với giá trị giao dịch đạt 11.134 tỷ đồng. Trong đó, gần 328 triệu cổ phiếu STB được giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn, chiếm gần 98%.
Riêng 5 phiên giao dịch tuần trước, khối lượng giao dịch STB đạt gần 195,5 triệu đơn vị, chiếm 22% tổng thanh khoản ngành ngân hàng và bỏ xa các mã đứng kế sau là SHB (84,1 triệu), MBB (82,7 triệu), CTG (75,8 triệu), VPB (57,8 triệu), TCB (53,4 triệu),... Đây cũng là mức thanh khoản theo tuần lớn nhất trong 7 tháng qua của STB.
Đi cùng với thanh khoản, giá cổ phiếu STB cũng diễn biến tích cực. Theo đó, so với cuối năm 2021, thị giá STB đã tăng tổng cộng 11,1% và lọt Top 3 cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao nhất ngành ngân hàng chỉ sau NVB và BID.
Sau nhịp tăng trên, STB đã chính thức phá đỉnh ghi nhận vào đầu tháng 5/2021 và đang được được giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết.
Diễn biến cổ phiếu STB trong hơn 1 năm qua. (Nguồn: SSI)
Cổ phiếu STB "dậy sóng'' trong bối cảnh nhiều thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh của Sacombank được công bố.
Tại Kỷ yếu kỷ niệm 30 năm thành lập của Sacombank, ngân hàng dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý/thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc Đề án. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank cũng kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%.
Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank cho biết ngân hàng này đã xử lý tất cả các vấn đề tồn đọng theo kết quả thanh tra, kiểm tra; xử lý dứt điểm tất cả vi phạm về sở hữu chéo và các khoản đầu tư không hiệu quả.
Bà Diễm cũng cho biết Sacombank đã thanh lý cổ phiếu quỹ vào thời điểm sôi động nhất, giúp tăng vốn tự có của ngân hàng tăng thêm 2.500 tỷ.
Trong báo cáo ước tính mới công bố, Chứng khoán SSI cho rằng hoạt động của Sacombank sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý 4/2021 (so với quý 3/2021) do hoạt động của công ty tập trung ở miền Nam. Nhu cầu vay tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể đạt 14 - 14,5% cho cả năm 2021. Do đó, lợi nhuận năm 2021 dự kiến đạt 4,2 - 4,4 nghìn tỷ đồng (tăng 27 - 32% so với cùng kỳ). Riêng quý 4, lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 1 - 1,1 nghìn tỷ đồng.
Về cổ phiếu, STB cũng là một cơ hội hấp dẫn được SSI đề cập trong trường hợp việc bán cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC hoàn tất. Theo SSI, nếu thương vụ thành công, Sacombank có thể hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc sớm hơn dự kiến và có sự phục hồi lợi nhuận ấn tượng từ 2023.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng kỳ vọng toàn bộ lãi dự thu tồn đọng sẽ được Sacombank xử lý vào năm 2022. Đồng thời, toàn bộ số dư VAMC sẽ được xử lý và trích lập dự phòng trong năm nay.
Ngoài ra, nhóm phân tích cũng cho rằng quỹ đất Phong Phú và 32,5% cổ phần của Sacombank được thế chấp cho VAMC sẽ được bán vào năm 2022; và thu hồi nợ gốc từ việc bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận vào năm 2023.
Theo VCSC, rủi ro mà Sacombank phải đối mặt trong thời gian tới là nợ xấu cao hơn và quá trình xử lý tài sản tồn đọng chậm hơn dự kiến.